Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) vỗ tay trong buổi biểu diễn của các nghệ sỹ K-pop ở Bình Nhưỡng ngày 1/4. (Ảnh: Getty)
Chưa đầy 1 tuần nữa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao bất ngờ của Triều Tiên kể từ đầu năm nay. Vậy điều gì đã khiến ông Kim Jong-un thay đổi “180 độ” lập trường ngoại giao?
Giới chuyên gia đã đưa ra 3 giả thuyết cho sự thay đổi chính sách này của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên khó khăn về kinh tế
William Brown, giáo sư tại Đại học Georgetown, cho rằng Triều Tiên đang gặp khó khăn về kinh tế và do vậy ông Kim Jong-un tìm đến đàm phán, nhưng ở thế yếu.
Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc giảm tới 95%, đạt 9 triệu USD trong tháng 2 vừa qua. Giá trị nhập khẩu cũng giảm 1/3 xuống 103 triệu USD và không có các mặt hàng có giá trị lâu dài như máy móc, phương tiện giao thông vận tải.
Đó là theo số liệu thống kê của phía Trung Quốc. Con số có thể chưa chính xác hoàn toàn nhưng là điều mà Bắc Kinh muốn thế giới biết về thực trạng kinh tế của Triều Tiên. Hoạt động giao thương của Triều Tiên bị cho là đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ chiến tranh liên Triều. Tình trạng này chắc chắn tạo áp lực lớn bên trong Triều Tiên.
Do vậy, ông Kim có thể buộc phải chấp nhận đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Ông Kim cũng đã đích thân tới Bắc Kinh hồi tháng trước trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào năm 2011.
Tự tin với năng lực hạt nhân
Triều Tiên có thể đã đạt bước tiến đáng kể về chương trình hạt nhân. (Ảnh minh họa: AFP)
Jean H. Lee, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lịch sử liên Triều và chính sách công, nhận định ông Kim Jong-un chính thức bước ra vũ đài chính trường thế giới sau 6 năm cầm quyền là một phần chiến lược chính trị được tính toán kỹ lưỡng. Chuyên gia này cho rằng, sau khi củng cố năng lực hạt nhân, nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu quan tâm tới đối ngoại.
"Ông ấy (Kim Jong-un) tự tin rằng chương trình hạt nhân sẽ buộc các nguyên thủ quốc tế đối xử với ông một cách ngang tầm, và ngang hàng với Mỹ", chuyên gia Lee nhận định.
Việc ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và tiếp đến là với Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ được coi là thắng lợi để ông Kim Jong-un mang về nước nhà.
Tránh chiến tranh
Giả thuyết thứ 3 được ông Adam Mount, chuyên gia cấp cao tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, đưa ra là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, giảm sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế lên Bình Nhưỡng.
"Bình Nhưỡng có thể đã tính toán rằng, nguy cơ chiến tranh đã lên tới mức độ khó chấp nhận nên sẽ tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump”, chuyên gia Mount nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, nếu để kịch bản chiến tranh xảy ra, Triều Tiên sẽ gây thiệt hại lớn cho công dân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng ngược lại Bình Nhưỡng cũng phải gánh những tổn thất khổng lồ.
Để kéo dài thời gian, Triều Tiên có thể sẽ đưa ra những nhượng bộ nhỏ và tạm thời liên quan đến giới hạn chương trình thử hạt nhân và tên lửa để Mỹ sẵn sàng chấp nhận và coi đó là thắng lợi.
Tuy nhiên, chuyên gia Mount cũng nhấn mạnh, ý nghĩ cho rằng có thể buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân ngay lập tức là điều viển vông.
Minh Phương
Tổng hợp
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn