Ấn tượng chuyến thăm kín đến phút chót của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc
Tuyên bố bất ngờ
Trong phiên họp toàn thể của ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 20/4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố chuyển hướng tập trung sang việc phát triển nền kinh tế của Triều Tiên, trong khi dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đồng thời đóng cửa một khu thử nghiệm hạt nhân ở phía bắc của nước này. Theo ông Kim Jong-un, Triều Tiên sẽ tập trung xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, trong đó tập trung mọi nguồn nhân lực và vật lực để nâng cao đáng kể đời sống của người dân.
Theo Yonhap, những tuyên bố trên của ông Kim Jong-un đã đánh dấu bước ngoặt chiến lược của ông Kim Jong-un sau khi các lệnh trừng phạt ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế đã làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên, làm sụt giảm sự ủng hộ của người dân và sự trung thành của giới tinh hoa, đồng thời dẫn đến những rạn nứt về ngoại giao với Trung Quốc - đối tác kinh tế quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra những tuyên bố khiến thế giới bất ngờ chỉ vài ngày trước khi ông bắt đầu cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 tới và với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
“Nếu vấn đề bảo đảm an ninh được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, vấn đề còn lại với ông Kim Jong-un là xây dựng nền kinh tế, dựa trên phương thức mà ông mong muốn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Triều Tiên trở thành một “nền kinh tế vững mạnh trước năm 2020”, Cho Bong-hyun, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, nhận định.
“Ông Kim Jong-un dường như xác định rằng thành tựu về kinh tế sẽ giúp ông giữ ổn định chính quyền và nâng cao hình ảnh của ông trên trường quốc tế”, ông Cho cho biết thêm.
Nền kinh tế đình trệ
Trong những năm qua, nền kinh tế Triều Tiên liên tục bị đình trệ do nước này dành ưu tiên nhiều hơn cho các chương trình hạt nhân và tên lửa. Ngoài các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác cũng ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của Bình Nhưỡng.
Đặc biệt, việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tích cực ủng hộ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Triều Tiên do Bắc Kinh chiếm tới 90% kim ngạch thương mại với Bình Nhưỡng.
“Do các lệnh trừng phạt, nguồn tiền của Triều Tiên bắt đầu chạm đáy và tình hình này có thể ảnh hưởng tới sự trung thành của những quan chức cấp cao Triều Tiên tại Bình Nhưỡng”, Park Won-gon, chuyên gia an ninh tại Đại học Toàn cầu Handong, cho biết.
Các lệnh trừng phạt được cho là đã dẫn tới sự sụt giảm đáng kể trong các hoạt động thương mại, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của Triều Tiên trên toàn thế giới cũng như nguồn tiền do lực lượng lao động Triều Tiên gửi từ nước ngoài về. Nhằm tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an, nhiều chính phủ đã trục xuất các lao động Triều Tiên về nước hoặc không gia hạn hợp đồng lao động mới cho họ.
Những cải cách thất bại
Theo giới chuyên gia, do mạng lưới phức tạp của các lệnh trừng phạt toàn cầu, những dự án cải cách kinh tế trước đây của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người thay cha lên nắm quyền điều hành đất nước từ năm 2011, thường không đạt hiệu quả tích cực.
Tháng 6/2012, ông Kim Jong-un đưa ra sáng kiến cải cách, trong đó trao quyền tự chủ lớn hơn cho các tập đoàn nhà nước, cho phép họ lựa chọn các sản phẩm để sản xuất, cũng như tự định đoạt giá cả, sản lượng và phương pháp marketing. Sáng kiến cải cách này của nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cho phép người nông dân giữ lại những phần thặng dư sau khi mùa màng kết thúc.
Tháng 5/2013, ông Kim Jong-un thành lập một loạt đặc khu phát triển kinh tế nhằm thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Nga và một số nước khác. Một năm sau, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã công bố các biện pháp bổ sung để nới lỏng quyền kiểm soát của nhà nước đối với các nhà máy và cửa hàng.
Tuy nhiên, tất cả những cải cách trên của Triều Tiên đều không mang lại tiến triển cụ thể nào. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới vấn đề này là do các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sau một loạt vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân, trong đó có vụ thử hạt nhân mạnh chưa từng có hồi tháng 9 năm ngoái.
“Đúng là ông Kim đã nỗ lực cải cách, nhưng họ chỉ nói, còn làm rất ít. Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả chiếm tỷ lệ lớn, nhiều người dân đã phải phụ thuộc vào các thị trường không chính thức để duy trì cuộc sống. Nói một cách đơn giản, hệ thống kinh tế nhà nước của Triều Tiên gần như bị tê liệt. Và ông Kim Jong-un đang tìm cách hồi sinh hệ thống này”, ông Ahn Chan-il, lãnh đạo Viện Nghiên cứu thế giới về Triều Tiên, cho biết.
Lựa chọn mô hình kinh tế
Hiện vẫn chưa rõ ông Kim Jong-un sẽ lựa chọn mô hình kinh tế nào để đưa Triều Tiên thoát khỏi tình trạng đình trệ về kinh tế. Tuy nhiên, theo chuyên gia Ahn Chan-il, ông Kim có thể tìm cách kết hợp cả 3 mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, Cuba và Việt Nam.
“Ông Kim Jong-un có thể xây dựng mô hình “hỗn hợp”, trong đó lựa chọn những điểm tối ưu nhất của các hệ thống xã hội chủ nghĩa khác, để giúp ông duy trì hệ thống chính trị… và mô hình này có thể áp dụng được với thực trạng của nền kinh tế Triều Tiên hiện nay”, ông Ahn nói.
Tuyên bố của ông Kim Jong-un về sự chuyển đổi chính sách được đưa ra sau khi ông có chuyến thăm tới Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hồi cuối tháng trước. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim trên cương vị lãnh đạo Triều Tiên.
Tại Trung Quốc, ông Kim Jong-un đã đến thăm Khu Công nghệ cao Zhongguancun ở thủ đô Bắc Kinh để trực tiếp quan sát những tiến bộ vượt bậc về kinh tế của Trung Quốc. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà quan sát cho rằng ông Kim Jong-un có thể sẽ xem nền kinh tế Trung Quốc như một hình mẫu.
Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết tâm thay đổi đường lối ngoại giao và kinh tế khiến nhiều người lạc quan cho rằng ông có thể đang xây dựng hình ảnh của bản thân như một hình mẫu về mở cửa và cải cách, tương tự cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - người đi đầu trong các chương trình cải cách kinh tế của Trung Quốc vào cuối thập niên 1970. Ông Đặng Tiểu Bình từng đặt ra đường lối phát triển kinh tế theo tư tưởng “xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” và đây có thể là cách mà ông Kim Jong-un có thể học theo.
“Với vai trò đi đầu và trọng tâm của đảng Cộng sản Trung Quốc, cường quốc châu Á này đã đạt được bước phát triển về kinh tế chỉ trong khoảng thời gian ngắn trong khi vẫn giữ vững hệ thống chính trị. Đây có thể là điều mà ông Kim Jong-un có thể học hỏi”, chuyên gia Cho Bong-hyun nhận định.
Tuy vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu bối cảnh quốc tế có tạo điều kiện để ông Kim Jong-un đi theo con đường mở cửa và cải cách hay không.
“Liệu Chủ tịch Kim Jong-un có thể trở thành Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên hay không còn phụ thuộc vào cách cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc, đảm bảo an ninh cũng như mở ra các cơ hội cho sự phát triển kinh tế của Triều Tiên”, Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Sejong, nhận định.
Thành Đạt
Theo Yonhap
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn