BBC dẫn thông báo từ Chính phủ Australia cho hay, Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison nói rằng các đề xuất đầu tư nước ngoài từ các nhà thầu Trung Quốc và Hong Kong "đi ngược lại lợi ích quốc gia" của Australia.
Theo đó, hãng State Grid Corp của Trung Quốc đại lục và Cheung Kong Infrastructure Holdings (CKI) của Hong Kong dự định mua 50,4% cổ phần của Ausgrid, mạng lưới phân phối điện cho New South Wales, lớn nhất Australia.
State Grid Corp hiện giờ chưa đưa ra bình luận nào về thương vụ này, nhưng BBC cho rằng phản ứng của giới truyền thông Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi gay gắt.
Hãng CKI của tỷ phú Li Ka-shing tránh mọi liên quan tới vụ bỏ thầu: “Chúng tôi tin rằng chính phủ Australia phải có lý do rõ ràng hơn, khiến họ đưa ra tuyên bố như ngày hôm nay. Vấn đề này không liên quan tới CKI”.
Các công ty Trung Quốc đang tích cực thu mua doanh nghiệp toàn cầu, nhất là hãng tài nguyên và năng lượng ở châu Á. Nếu thương vụ trị giá 7,5 tỷ USD này thành công, các nhà thầu Trung Quốc và Hong Kong có thể nắm quyền kiểm soát cổ phần của Ausgrid trong vòng 99 năm.
Hành động của Australia đưa ra không lâu sau khi Chính phủ Anh dừng phê chuẩn dự án điện hạt nhân Hinkley Point, có sự góp vốn của Tập đoàn Điện hạt nhân của Trung Quốc, với lý do tương tự.
Tờ Thời báo Tài chính (Anh) hôm 9/8 dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Anh kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Theresa May sớm bật đèn xanh cho dự án xây dựng điện hạt nhân Hinkley Point, kèm theo cảnh báo quan hệ song phương có thể chịu thiệt hại nếu dự án không khả thi.
Đối với Trung Quốc, dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây sẽ mở cánh cửa cho ngành năng lượng hạt nhân Trung Quốc vào phương Tây.
Cuối tháng 7 vừa qua, bà May đã bất ngờ dừng triển khai dự án điện hạt nhân trị giá 24 tỷ Euro, trong đó có 1/3 tổng số vốn đầu tư là của Trung Quốc, vì lo ngại Bắc Kinh có thể tạo lỗ hổng gây phương hại tới an ninh hạt nhân và an ninh quốc gia của Anh.
Việc Anh trì hoãn kế hoạch với Trung Quốc nằm trong xu hướng chung tại nhiều quốc gia, khi mà Bắc Kinh thể hiện rõ tham vọng kiểm soát các tập đoàn lớn, mang ý nghĩa chiến lược đối với các quốc gia châu Âu.
Châu Âu đang là thị trường chiếm tới 20% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc, đứng đầu là Italy, Pháp, Đức và Anh. Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại và dè chừng với các nhà đầu tư Trung Quốc. Các dự án có vốn đầu tư Trung Quốc gây nên nhiều tranh cãi tại các quốc gia này.
Trước châu Âu, Mỹ đã phải ra nhiều biện pháp mạnh tay để hạn chế bớt những người khổng lồ Trung Quốc thâm nhập vào thị trường của họ.
Một trường hợp điển hình là Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei và ZTE đã bị Mỹ cấm bán sản phẩm cho chính phủ Mỹ hồi năm 2013, sau khi điều tra về nguy cơ mất an ninh từ các thiết bị mà các hãng này bán ra.
Điều khiến Mỹ lo ngại nhất chính là mối liên hệ giữa Huawei với quân đội Trung Quốc, bởi ông Ren Zhengfei – người sáng lập nên Huawei chính là người từng tham gia, cũng như có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Trong một kịch bản chiến tranh mạng, nhiều người tại Mỹ lo ngại Huawei có thể đóng vai trò không nhỏ nhờ cơ sở hạ tầng trải rộng khắp thế giới.
Vì lý do này, Mỹ coi Huawei và ZTE là mối đe dọa với an ninh quốc gia của họ. Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ đã tiến hành điều tra Huawei và ZTE nhằm tìm ra các mối đe dọa tiềm ẩn.
Mỹ lo ngại rằng, các trang thiết bị mạng của Huawei và ZTE có thể chứa các công nghệ bí mật của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh có thể hoạt động do thám ngay trên mạng lưới viễn thông của Mỹ. Cựu quan chức tình báo Mỹ Micheal Hadey còn cáo buộc Huawei là gián điệp cho Trung Quốc.
“Hạ tầng viễn thông quan trọng của chúng ta có thể được sử dụng để chống lại chính chúng ta. Đây thực sự là mối lo ngại nghiêm trọng” – Hạ nghị sĩ Mike Rogers nói.
Ngoài Mỹ, Australia cũng có quyết định cấm Huawei dự thầu với các lo ngại tương tự.
Theo Lê Thu
Vietnamnet
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn