Theo SCMP, mặc dù Singapore không phải là một bên trong tranh chấp trên Biển Đông nhưng những động thái gần đây của quốc đảo Đông Nam Á này liên quan tới phán quyết của tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Sau khi tòa trọng tài thường trực chính thức ra phán quyết phủ nhận yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi đây là “tuyên bố mạnh mẽ” về việc áp dụng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải. Đáp trả lại bình luận này của Thủ tướng Lý, Bắc Kinh đã lớn tiếng đề nghị Singpore nên duy trì “quan điểm khách quan và công bằng” với tư cách là điều phối viên trong đối thoại Trung Quốc và ASEAN”.
Shen Shishun, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói rằng nếu Singapore giữ lập trường giống như Mỹ trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc sẽ coi đây là hành động “chơi đùa với các vấn đề mang tính nguyên tắc cơ bản” của Singapore.
“Trung Quốc tin rằng Singapore có thể cân bằng các mối quan hệ với các cường quốc nhưng họ không nên đùa giỡn với những vấn đề như vậy. Là một quốc gia châu Á, Singapore nên gần gũi hơn với Trung Quốc”, Shen Shishun nói, bóng gió việc quốc đảo Đông Nam Á đang xích lại gần Washington và xa rời Bắc Kinh.
Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục dâng cao từ hồi đầu tháng này khi Thủ tướng Lý Hiển Long nói với Tổng thống Barack Obama rằng ông hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện tích cực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đáp lại thiện chí từ phía Singapore, ông Obama khẳng định Singapore là “đối tác bền vững” của Mỹ trong khu vực.
Chuyến thăm chính thức Mỹ hồi đầu tháng 8 của Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chức cũng như truyền thông Trung Quốc. Trong một bài xã luận được đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn cầu, Bắc Kinh không ngần ngại nói rằng chuyến thăm của Thủ tướng Lý đã khiến một số người Trung Quốc cảm thấy “rất khó chịu”, đặc biệt khi Tổng thống Obama ca ngợi Singapore là “điểm tựa” cho sự hiện diện của Mỹ ở châu Á. Thời báo Hoàn cầu cũng tìm cách lôi kéo Singapore về phía Trung Quốc khi nói rằng Mỹ chỉ coi Nhật Bản và Australia là điểm tựa tại khu vực.
Trung Quốc và Singapore đã duy trì quan hệ mật thiết trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế từ nhiều thập kỷ qua. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và quốc đảo Đông Nam Á cũng là nhân tố chính trong chiến lược Con đường tơ lụa trên biển của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình. Singapore từng là cái nôi đào tạo cho nhiều quan chức Trung Quốc, những người từng theo học tại Singapore trước khi trở về phục vụ đất nước và trở thành các thị trưởng cũng như lãnh đạo cấp tỉnh. Một số quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng thường lấy Singapore làm hình mẫu cho việc quản lý một thành phố phát triển ở châu Á. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng những động thái gần đây của Singapore đã khiến Bắc Kinh tỏ ra quan ngại về khả năng tiến xa trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Singapore không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á phản đối lập trường của Bắc Kinh, khẳng định việc “sử dụng sức mạnh” để giải quyết vấn đề như Trung Quốc sẽ không bao giờ mang lại kết quả cũng như sự ổn định, hòa bình cho khu vực. Giới lãnh đạo Singapore ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, chiến lược rất rõ ràng của Mỹ ở Biển Đông.
Thành Đạt
Theo SCMP
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn