Thổ Nhĩ Kỳ đổi mục tiêu ưu tiên và đối tác giải quyết vấn đề Syria?

Thứ hai - 15/08/2016 13:45
Mặc dù bác khả năng Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ với phương Tây nhưng giới chuyên gia cho rằng, Ankara sẽ có sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua học thuyết đối ngoại mới kể từ khi Thủ tướng Binali Yildirim lên thay thế người tiền nhiệm là ông Ahmet Davutoglu hồi tháng 5/2016. Dù thực hiện một loạt các thay đổi trong chính sách đối ngoại nhưng câu hỏi vẫn còn để ngỏ về khả năng Ankara sẽ thay đổi lập trường đối với vấn đề Syria cũng như mức độ mở rộng hợp tác với Nga.

Ông Binali Yildirim được cho là người "thổi làn gió mới" vào đường lối đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: turkiyegazetesi)

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây và Mỹ đang ở trong giai đoạn “cao trào”, đặc biệt là sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7. Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao Basheer Nafi tại Trung tâm nghiên cứu Al Jazeera, dù có những bất đồng “âm ỉ” trong mối quan hệ này, sẽ khó có chuyện Ankara từ bỏ các đồng minh phương Tây.

Phép thử với chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ

Trên thực tế, ngay sau khi nhậm chức, ông Yildirim đã làm những việc mà dưới thời người tiền nhiệm không mấy được quan tâm. Đó là nỗ lực hàn gắn quan hệ với Nga và Israel, cùng với đó là nỗ lực bình thường hóa quan hệ với các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và phát đi tín hiệu sẵn sàng giải quyết bất đồng với Iraq, Ai Cập.

Trong bài viết được đăng tải trên tạp chí Middle East Eye, chuyên gia Nafi viết: “Các nhà quan sát chính trị đã có thể dự đoán được bước đi tiếp theo của chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính thất bại đêm 15/7”.

Theo Nafi, cuộc đảo chính như là phép thử đối với các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi đảo chính hòng lật đổ Chính phủ đương nhiệm xảy ra, các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy sự do dự khi bày tỏ quan ngại trước âm mưu nổi dậy. Mỹ ngay lập tức từ chối dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen – người mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho là chủ mưu gây ra cuộc đảo chính. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) lại lên án hành động của chính quyền Ankara thanh trừng những người ủng hộ đảo chính.

Căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ được Mỹ và đồng minh sử dụng trong cuộc chiến chống IS. (Ảnh: AP)

“Các phương tiện truyền thông một số nước Arab không thể che giấu sự phấn khích của họ với những gì có vẻ như sự sụp đổ sắp xảy ra với Chính phủ dân bầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Những nước khác thì cư xử như thể họ đã biết trước âm mưu đảo chính”, Nafi chỉ ra.

Trong bối cảnh ấy, Ai Cập đã gây bất ngờ khi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng Chính phủ hợp pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả chính là phản ứng của Nga. Moscow ngay lập tức lên án âm mưu đảo chính cũng như những thế lực hậu thuẫn lật đổ chính phủ dân bầu ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới quan sát cho rằng, với những diễn biến này, có thể không khó hình dung ra chính sách đối ngoại trong tương lai gần của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ với phương Tây xấu đi

Trả lời “tối hậu thư” của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau nói rằng, quá trình này có thể phải mất nhiều năm.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây không ngần ngại bày tỏ sự tức giận đối với những gì mà họ gọi là “sự quan tâm quá mức” của châu Âu với các cuộc đàn áp sau đảo chính và cáo buộc châu Âu đang thờ ơ với hậu quả của cuộc đảo chính làm hơn 240 người thiệt mạng.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với hãng thông tấn Anadolu: “Thật không may là EU đang theo đuổi một số sai lầm nghiêm trọng. Họ đã thất bại trong việc xem xét âm mưu đảo chính… Vấn đề của họ là chống Thổ Nhĩ Kỳ và thái độ thù địch với Tổng thống Erdogan.

Mối quan hệ Ankara - phương Tây đang bị rạn nứt nghiêm trọng sau đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7. (Ảnh: Reuters)

Chúng tôi đã hoạt động rất tích cực để có thể trở thành thành viên EU trong suốt 15 năm qua. Chúng tôi không bao giờ cầu xin nhưng chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc. Giờ đây, cứ 3 người được hỏi thì có 2 người nói chúng tôi nên dừng đàm phán với EU”.

Ở chiều ngược lại, EU cho rằng những hành động Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện sau cuộc đảo chính là thái quá và không phù hợp với tình hình thực tế. Sau cuộc đảo chính bất thành, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng và tạm thời đình chỉ nghĩa vụ của nước này trong Công ước Nhân quyền Châu Âu.

Ngay lập tức, cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh, đối ngoại Federica Mogherini cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định tạm ngừng tham gia Công ước Nhân quyền Châu Âu, cho rằng động thái này phải tuân thủ các điều kiện kèm theo.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì yêu cầu các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ lệnh “tình trạng khẩn cấp” càng sớm càng tốt và nhấn mạnh, Ankara không nên “săn lùng” phe đối lập một cách bừa bãi.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ có ý định khôi phục án tử hình cũng gặp phải sự phản đối gay gắt. Trong khi bà Mogherini gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ rằng “không một quốc gia nào có thể trở thành thành viên của EU nếu vẫn sử dụng hình phạt tử hình” thì Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, việc tái áp đặt án tử hình và mục tiêu gia nhập EU mà Ankara theo đuổi là “không thể đi cùng nhau”. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ "không có cửa" tham gia ngôi nhà chung nếu khôi phục án tử hình.

Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi mục tiêu ưu tiên và đối tác giải quyét vấn đề Syria

Với những diễn biến gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/8, câu hỏi được nhiều người quan tâm là liệu Ankara cuối cùng có đứng về phía Moscow, thay đổi lập trường về Syria và Tổng thống Bashar al-Assad?

Mối quan hệ "ấm dần" giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khiến phương Tây lo ngại. (Ảnh: arabamericannews)

Theo chuyên gia Nafi, ý tưởng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kề vai sát cánh với Nga và Iran trong các vấn đề khu vực và quốc tế, bỏ qua các đồng minh phương Tây là “phi thực tế” và “không có cơ sở”.

“Mặc dù căng thẳng ngày càng tăng nhưng không có căn cứ nào để nói rằng Ankara dự định cắt đứt quan hệ với Washington hay EU. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thêm rằng, các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại chắc chắn sẽ không phụ thuộc nhiều vào chính sách của Mỹ như trước đây”, Nafi nói.

Nhà nghiên cứu Nafi tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ một mặt sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ cân bằng với Mỹ và EU trong khi mặt khác không ngừng cải thiện quan hệ với Nga. Ông cũng lưu ý, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về Chính phủ Syria có thể vẫn còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự ủng hộ từ nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Y. Yilmaz. Yilmaz trong bài viết đăng tải trên Hurriyet Daily News cho rằng: “Sự ra đi của ông Ahmet Davutoglu đã giải phóng tư tưởng trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cùng quan điểm với Yilmaz, nhà báo Serkan Demirtas bình luận: “Nhận định của Tổng thống Erdogan rằng Nga là nhân vật chính quan trọng nhất mang lại hòa bình cho Syria đã nói lên tất cả”.

Ông Demirtas nói: “Tuyên bố này không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạm dừng tất cả các quan hệ đối tác với Mỹ - nước dẫn đầu liên minh chống IS nhưng nó báo trước một khả năng về sự thay đổi các ưu tiên cũng như đối tác của Thổ Nhì Kỳ trong vấn đề Syria”.

Nhận định về mối quan hệ ba bên hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Nga và phương Tây, chuyên gia phân tích Thổ Nhĩ Kỳ Sadik Unay cho rằng: “Khi sự tái cân bằng chiến lược giữa Ankara với NATO và Nga được cụ thể hóa, nó sẽ không thể là sự biểu hiện của tư tưởng Eurasianism (chủ nghĩa yêu nước mang tính thực dụng, tự do khỏi những giáo điều vừa mang tính Xô viết, vừa tự do kiểu phương Tây) mà là sự phản ánh đường lối ngoại giao chủ động, hợp lý thể hiện ý chí quốc gia”./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây