(Ảnh minh họa: Reuters)
Theo kết quả cập nhật của CNN, sau cuộc bầu cử ngày 8/11, ứng viên Dân chủ Hillary Clinton giành được hơn 60,4 triệu phiếu bầu phổ thông, trong khi ông Trump chỉ giành hơn 60 triệu phiếu. Mặc dù vậy, ông Trump vẫn đắc cử tổng thống với 290 lá phiếu đại cử tri, còn bà Clinton chỉ giành 232 phiếu, thấp hơn do mức yêu cầu tối thiểu 270 phiếu.
Như vậy, bà Clinton trở thành người thứ 5 trong lịch sử Mỹ chiến thắng trong bầu cử phổ thông nhưng không đắc cử tổng thống do thua về số phiếu đại cử tri. Năm 2000, ứng viên Dân chủ Al Gore cũng phải từ bỏ giấc mơ Nhà Trắng do ít phiếu đại cử tri hơn đối thủ Cộng hòa George W. Bush mặc dù chiến thắng trong bầu cử phổ thông.
Điều này khiến cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 trở thành một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Mặc dù gây tranh cãi, hứng nhiều chỉ trích nhưng hệ thống bầu cử theo cơ chế phiếu đại cử tri vẫn tồn tại ở Mỹ suốt 230 năm qua.
Jennifer M. Granholm, cựu thống đốc Michigan nói: “Nếu chúng ta thực sự tuân thủ quy tắc đa số thì tại sao chúng ta lại phủ nhận ứng viên mà đa số cử tri lựa chọn”.
Năm 2012, bản thân ông Trump từng chỉ trích cơ chế thua bầu cử phổ vẫn có thể trở thành tổng thống nếu giành được đủ phiếu đại cử tri. “Chúng ta cần có một cuộc cách mạng ở đất nước này”, ông Trump bình luận trên mạng xã hội vào thời điểm đó.
Kết quả bầu cử ngày 8/11 một lần nữa lại dấy lên kêu gọi cải cách hệ thống bầu cử. David Boies. Luật sư đại diện cho ứng viên tổng thống Dân chủ Al Gore năm 2000, nói: “Cá nhân tôi muốn cơ chế bỏ phiếu đại cử tri sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn. Tôi cho rằng đó là sự kỳ cục của lịch sử”.
Theo cơ chế bỏ phiếu đại cử tri, khoảng 1 tháng sau cuộc bầu cử phổ thông, đại cử tri mỗi bang sẽ nhóm họp để bỏ phiếu quyết định ai làm tổng thống.
Số đại cử tri mỗi bang đúng bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của bang đó, hay cũng có thể nói, số đại cử tri phụ thuộc vào dân số của mỗi bang. Cả nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, bằng số ghế trong Quốc hội Mỹ là 535 cộng thêm 3 đại cử tri của thủ đô Washington. Ở hầu hết các bang (trừ Maine và Nebraska), ứng cử viên tổng thống nào được nhiều phiếu phổ thông nhất thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của đại cử tri của bang đó.
Cơ chế này được áp dụng do các nhà lập quốc Mỹ, trong đó có James Madison, lo ngại về việc dân chủ quá mức khi trao quyền lực cho người dân. Người được mệnh danh là “cha đẻ Hiến pháp Mỹ” cũng cho rằng, việc để "nô lệ da đen" ở miền Nam đi bỏ phiếu là không thể chấp nhận được. Đó là lý do Đại cử tri đoàn ra đời với Thỏa hiệp 3/5, nghĩa là nô lệ da đen không có quyền bỏ phiếu nhưng được tính bằng 3/5 người thường trong thống kê quy mô dân số của mỗi bang.
Giới phê bình cho rằng, cơ chế này khiến các bang ít dân khi kết hợp lại sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đến bầu cử so với các bang đông dân. Họ cũng cho rằng, cơ chế này dường như có lợi hơn cho đảng Cộng hòa khi đảng này có truyền thống được ủng hộ tại các bang ít dân. Theo họ, cơ chế bầu qua đại cử tri vi phạm quy tắc dân chủ một người - một phiếu và làm “méo mó” chiến dịch tranh cử khi các ứng viên chỉ tập trung vào số ít bang tranh chấp.
Minh Phương
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn