Thông tấn TASS dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Ukraine cho hay cơ quan này đã gửi công hàm đến các đồng nghiệp Nga để phản đối chuyến thăm bán đảo Crimea của Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev.
Thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Ukraine Mariana Betz nói với hãng tin UNIAN (Ukraine): "Chúng tôi phản đối mọi trường hợp nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Crimea mà không có sự đồng ý của phía Ukraine, của các nhà lãnh đạo Nga cũng như với bất kỳ công dân nước ngoài nào khác".
Bà Betz nói thêm rằng việc các quan chức Nga cố gắng diễn giải chuyến đi đến bán đảo Crimea là chuyến thăm viếng bình thường trong nước "là vô giá trị về mặt luật pháp".
Sau khi Nga kết thúc cuộc tập trận quy mô lớn toàn lãnh thổ phía Tây Nam giáp biên giới với Ukraine trong hòa bình, Ukraine bắt đầu mở cuộc tấn công mới vào những vật thể pháp lý của Nga như cấm các cá nhân Nga, tổ chức kiện Nga vi phạm nhân quyền, kiện Nga tranh chấp lãnh thổ, đặt giàn khoan vào khu vực biển gần bán đảo Crimea...
Theo thông tin từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 15/9, Ukraine đã nộp đơn kiện Nga lên WTO về việc Moscow áp đặt những giới hạn đối với việc trung chuyển hàng hóa từ Kiev đến Nga.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko còn ra lệnh cho Bộ Ngoại giao nước này đệ đơn kiện Nga ra tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc (LHQ) với cáo buộc vi phạm biên giới biển.
Kênh Ukraine Ngày nay cho biết, hôm 14/9, ông Petro Poroshenko đã cùng thảo luận với lãnh đạo Bộ Ngoại giao về những tài liệu phục vụ cho việc kiện Nga ra tòa trọng tài của LHQ. Website chính thức của Phủ Tổng thống Ukraine cũng đã xác nhận thông tin này.
Sự phản đối trên từ Ukraine sau động thái mới nhất của Tổng thống Vladimir Putin ngày 15/9 là đến thành phố Kerch ở miền Đông Crimea để chủ trì một phiên họp đoàn chủ tịch của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) về sự phát triển của hệ thống vận tải ở miền Nam nước này, đặc biệt là cây cầu bắc qua eo biển Kerch.
Tổng thống Putin đã ghi nhận tốc độ xây dựng của cây cầu là rất tốt. Song cũng nhắc nhở về việc tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông của bán đảo Crimea.
Cây cầu bắc qua eo biển Kerch sẽ bao gồm một tuyến đường bộ và đường sắt song song. Con đường có 4 làn xe di chuyển với tốc độ tối đa là 12km/h. Tuyến đường cũng phải đảm bảo trung chuyển 40.000 xe mỗi ngày. Tuyến đường sắt cũng phải đạt tiêu chuẩn tốc độ tối đa tới 160km/h.
Cuộc chiến vũ trang hay cuộc chiến pháp lý có xảy ra?
Nga cũng không bỏ cuộc các nỗ lực chống lại Ukraine khi đâm nhiều đơn thư kiện ngược lại các pháp nhân hay cả Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine về tội ác diệt chủng người Nga ở Ukraine.
Cuộc chiến này sẽ còn kéo dài mãi cho tới khi nào Ukraine ngưng dùng các căn cứ pháp luật để tìm cách kiện tụng, tố cáo Nga bởi lâu nay Kiev vẫn phản đối kết quả 95% của cuộc trưng cầu dân ý đưa bán đảo này trở thành một lãnh thổ thuộc Nga hai năm về trước.
Nhiều chuyên gia nhận định, chắc chắn Ukraine và Nga sẽ bước vào cuộc chiến vũ trang mới sau khoảng lặng ít ngày.
Tuy nhiên, Giám đốc dự án Vấn đề Nga tại Trung tâm Belfer của Đại học Harvard - Simon Saradzhyan lại có quan điểm cho rằng khó có khả năng Moscow sẽ bắt tay vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới tại quốc gia láng giềng này.
Theo ông Simon, Quân đội Nga giống như tất cả các lực lượng quân sự khác trên khắp thế giới, đang chuẩn bị cho chiến tranh bởi vì đó là mục đích mà họ được tạo ra, chống lại một loạt các mối đe dọa tiềm năng ở biên giới như Caucasus, Ukraine, Biển Đen hay đơn giản là tự bảo vệ mình chống lại một mối đe dọa thông thường.
"Các tướng lĩnh phải chuẩn bị cho tất cả các loại kịch bản, bao gồm cả kịch bản tồi tệ nhất, đó sẽ là một cuộc chiến tranh toàn diện", Saradzhyan nói. "Điều đó không có nghĩa là họ muốn chiến đấu hoặc khởi động chiến tranh".
Saradzhyan nói rằng mặc dù sự thật là có các cuộc tập trận từng được tổ chức như một khúc dạo đầu cho cuộc chiến tranh, nhưng không phải là luôn luôn như vậy. Bản thân Nga đã sử dụng một cuộc tập trận để che giấu động thái điều quân trước chiến sự ở Gruzia năm 2008, chiến dịch ở Crimea và sự tham gia ở Syria gần đây. Tuy nhiên, các tình huống này tương đối hiếm.
Trong khi đó, Nga thực sự không có bất kỳ lý do để sử dụng vũ lực ở Ukraine tại thời điểm này, Saradzhyan nói. Cuộc xung đột hiện nay ở trạng thái đóng băng sẽ có lợi hơn cho điện Kremlin. Mặc dù quân đội Ukraine có khả năng cải thiện, nhưng nếu Nga thực sự cảm thấy rằng lợi ích sống còn của mình bị đe doạ, điện Kremlin có thể đè bẹp lực lượng còn non trẻ của Kiev và đẩy họ tới biên giới Ba Lan một cách dễ dàng.
Moscow chỉ hành động chống lại Kiev nếu Kremlin thực sự thấy lợi ích an ninh quốc gia bị đe doạ. Thậm chí dù không chiếm Ukraine, điện Kremlin cũng có thể phá hủy khả năng tiến hành chiến tranh của quân đội Kiev để họ không còn có thể gây ra bất cứ thách thức nào, Saradzhyan nói.
Chỉ khi Nga thực sự cảm thấy lợi ích an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng, quốc gia này mới có khả năng tiến hành chiến tranh. Một hành động của phương Tây có thể làm kích động một cuộc xung đột quân sự với Moscow là loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo Huy Vũ
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn