Cựu sát thủ Edgar Matobato điều trần trước Thượng viện Philippines. Ảnh: CNN |
Trong buổi điều trần trước Thượng viện Philippines hôm qua, người đàn ông 57 tuổi Edgar Matobato đã tiết lộ những chi tiết gây sốc về Biệt đội Tử thần Davao (DDS), nhóm sát thủ mà ông này từng là thành viên và đã gieo rắc chết chóc ở thành phố Davao suốt một thời gian dài, theo CNN.
Biệt đội Tử thần Davao không phải là cái tên xa lạ ở Philippines. Một cuộc điều tra năm 2009 của tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho thấy DDS bắt đầu các vụ giết chóc ở thành phố Davao miền nam Philippines vào giữa thập niên 1990, dưới thời Thị trưởng Rodrigo Duterter, người hiện giữ chức Tổng thống Philippines. Tổ chức này tin rằng DDS ban đầu chỉ có khoảng 10 thành viên, sau đó tăng lên hàng trăm sát thủ, và chịu trách nhiệm trước cái chết của hơn 1.000 người chỉ riêng ở thành phố này.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thông tin về hoạt động của biệt đội này được một cựu sát thủ tiết lộ trước Thượng viện Philippines, và lời kể của Matobato càng gây sốc hơn khi khẳng định rằng chính ông Duterte đã ra lệnh cho DDS thực hiện các vụ giết người không qua xét xử. Ông Duterte là thị trưởng Davao suốt từ năm 1988 đến 2013, trước khi giao lại vị trí này cho con gái Sarah Duterte.
Theo lời kể của Matobato, biệt đội tử thần bắt đầu được hình thành từ năm 1993, với danh nghĩa "đội thanh lý" có tên gọi là "Những cậu bé Lambada". Người đàn ông này nói rằng chính Thị trưởng Duterte đã cho xây dựng biệt đội, và sau đó phát triển lên thành DDS, với thành phần chính là các cựu phiến quân hoặc cựu cảnh sát ở Davao.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là tiêu diệt những tên tội phạm như bọn bán lẻ ma túy, những kẻ hiếp dâm hay cướp giật. Đó là những người bị chúng tôi bắn chết mỗi ngày", Matobato cho biết.
Báo cáo của HRW cho hay các "Cậu bé Lambada" được quản lý bởi sĩ quan cảnh sát đương chức hoặc về hưu. Những cảnh sát này cung cấp súng đạn cho các sát thủ và huấn luyện họ sử dụng chúng, sau đó trao cho họ thông tin về mục tiêu cần tiêu diệt.
Danh sách mục tiêu được cảnh sát hoặc quan chức làng xã đưa ra, gồm tên tuổi, địa chỉ và ảnh chân dung nghi phạm. Cảnh sát khu vực sẽ được thông báo trước để tạo điều kiện cho các sát thủ thuộc DDS hành động và tẩu thoát.
Chiến thuật điển hình của các sát thủ này là đi từng nhóm nhỏ hai hoặc ba người trên những chiếc xe máy không gắn biển số để tiếp cận mục tiêu. Nạn nhân sẽ bị bất ngờ đâm bằng dao hoặc bắn bằng súng ngay giữa thanh thiên bạch nhật, tại những nơi như quán bar, chợ, siêu thị hoặc những nơi đông người khác, sau đó sát thủ lên xe máy chạy thoát. Cảnh sát thông thường rất lâu sau mới có mặt, và cũng không hề quan tâm đến việc thu thập chứng cứ, chẳng hạn như vỏ đạn ở hiện trường.
Một nạn nhân bị bắn chết trên đường phố Davao. Ảnh: Inquirer |
Theo Matobato, DDS còn có những phương pháp giết người khác rất man rợ. Các sát thủ có thể phân thây nạn nhân, chặt thành nhiều khúc và vứt ở vệ đường, đôi khi dùng băng dính dán kín mặt nạn nhân để gây khó khăn cho công tác nhận dạng, thậm chí là vứt thi thể họ cho cá sấu ăn. HRW cho rằng các sát thủ thường được nhận 114-1.147 USD cho mỗi vụ giết người, tùy thuộc vào tính chất của từng vụ.
'Giết người như ngóe'
Cựu sát thủ Matobato kể lại một số vụ giết người điển hình mà DDS đã thực hiện ở Davao, trong đó có vụ "thảm sát nhà thờ Hồi giáo" được cho là theo lệnh của ông Duterte sau khi nhà thờ Công giáo ở thành phố này bị đánh bom vào năm 1993.
"Vài ngày sau vụ đánh bom, ông ấy ra lệnh cho chúng tôi bắt giữ và giết chết các nghi phạm Hồi giáo, thế nên chúng tôi chỉ nhắm vào người Hồi giáo", Matobato khai nhận. Ông này nói rằng chính ông ta và các thành viên khác của biệt đội tử thần đã bắt cóc và sát hại các nghi phạm rồi vùi xác ở một mỏ đá.
Matobato khẳng định tới năm 2013, DDS đã xây dựng được một lực lượng hùng hậu với hơn 300 sát thủ, và đã giết hại hơn 1.000 người ở thành phố Davao, trong đó có những người không hề dính dáng gì đến các hoạt động tội phạm. Ông nói rằng năm 2010, Thị trưởng Duterte đã ra lệnh sát hại bạn trai của chính em gái mình, và sau đó yêu cầu các sát thủ "giết người diệt khẩu" một nhà báo dám chỉ trích thị trưởng.
Matobato cho biết khi Ủy ban Nhân quyền Philippines mở cuộc điều tra các vụ giết chóc ở Davao vào năm 2009, Thị trưởng Duterte đã ra lệnh cho DDS sát hại bà Leila De Lima, người đứng đầu ủy ban, tuy nhiên vụ ám sát cuối cùng đã không được thực hiện.
Cựu thành viên DDS này khai rằng chính ông Duterte cũng từng đích thân ra tay giết người. Vụ việc xảy ra năm 1993, khi nhóm sát thủ bị một đặc vụ thuộc Cục Điều tra Quốc gia của Bộ Tư pháp chặn lại trên một con đường, dẫn tới cuộc đấu súng quyết liệt.
Thị trưởng Duterte sau đó được cho là đã tới hiện trường, và đích thân bắn chết đặc vụ này. "Thị trưởng Duterte chính là người đã kết liễu ông ta. Quan chức Bộ Tư pháp đó vẫn còn sống khi ông ta đến. Ông ta đã trút hết hai băng đạn tiểu liên Uzi vào người đặc vụ này", Matobato kể.
Một người thân cận với ông Duterte cũng bị tố cáo dính líu đến các hoạt động của DDS là Paolo Duterte, con trai của Thị trưởng. Matobato nói rằng Paolo đã ra lệnh cho các sát thủ của DDS ra tay giết tỷ phú Richard King vào năm 2014 sau khi xích mích với ông này vì tranh giành một phụ nữ. "Người dân chỉ như những con ngóe ở Davao", Matobato nói.
Ông Duterte (áo xanh) cầm khẩu súng tiểu liên trên tay trong một triển lãm vũ khí. Ảnh: Infostormer |
Matobato khai trước Thượng viện rằng sau khi thực hiện nhiều vụ giết chóc, ông ta quyết định chấm dứt sự nghiệp sát thủ, rời khỏi biệt đội tử thần vào năm 2013. Ông ta đã bị những thành viên trong đội tra tấn và đe dọa không được hé miệng về những vụ giết người mà DDS đã thực hiện.
Để đảm bảo an toàn, Matobato đã nộp mình cho Ủy ban Nhân quyền Philippines và Bộ Tư pháp vào năm 2014 để tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng. Đến đầu năm nay, Matobato quyết định rời bỏ chương trình bảo vệ sau khi ông Duterte lên nắm quyền, vì lo ngại tính mạng của mình sẽ bị đe dọa.
Trong cuộc họp báo thường kỳ sau phiên điều trần của Matobato, Martin Andanar, thư ký báo chí của Tổng thống Duterte, đã bác bỏ những cáo buộc trên. "Ủy ban Nhân quyền từng mở cuộc điều tra nhiều năm trước đây, khi Tổng thống còn là Thị trưởng, và không một cáo buộc nào được đưa ra, bởi họ không tìm thấy bất cứ chứng cứ trực tiếp nào", Andanar nói.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi năm ngoái, chính ông Duterte đã thừa nhận rằng mình có vai trò trong một biệt đội tử thần. "Tôi ư? Họ nói rằng tôi là một phần của biệt đội tử thần? Đúng, đúng là như vậy đấy", ông Duterte khẳng định. Ông cũng nói rằng mình đã từng tự tay bóp cò bắn vào các nghi phạm trong một vụ bắt cóc.
Ông Duterte sau đó rút lại tuyên bố trên, nói với các phóng viên rằng không có "biệt đội tử thần Davao" nào. Dù vậy, các tổ chức nhân quyền quốc tế và trong nước vẫn không thấy thuyết phục với lời cam đoan này, và tiếp tục đưa ra những lời chỉ trích đối với Tổng thống Philippines, đặc biệt là khi chiến dịch chống tội phạm ma túy mà ông đang phát động đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người chỉ trong vòng 3 tháng.
Xem thêm: Tổng thống Philippines bị tố từng giết 1.000 người
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn