Emmanuel Macron, tân tổng thống trẻ tuổi của Pháp, chỉ mới nhậm chức khoảng ba tuần song ông đã nắm bắt cơ hội thể hiện vai trò như một thành trì bảo vệ các giá trị tự do toàn cầu khi công khai đối đầu với Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo CNN.
Bài phát biểu thách thức Trump
Macron nhái lại khẩu hiệu tranh cử của TrumpHành động đối đầu quyết liệt nhất của Macron diễn ra vào tối 1/6 khi ông có bài phát biểu chỉ trích việc ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đoạn video ghi lại bài phát biểu của ông Macron ngay lập tức gây sốt. Thông điệp mà ông Macron đưa ra là: ông Trump tự tách mình làm kẻ ngoài cuộc khi chống lại các giá trị đã giúp nước Mỹ trở nên vĩ đại dù ông luôn tự cho rằng chỉ có mình mới có thể khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ.
"Tối nay, tôi muốn nói với người Mỹ rằng nước Pháp tin tưởng các bạn. Thế giới tin tưởng các bạn. Tôi biết rằng các bạn có một đất nước vĩ đại", Macron nói khi đứng trước phông nền lá cờ ba màu của Pháp và lá cờ của Liên minh châu Âu (EU) trong đoạn video.
"Tôi am hiểu lịch sử của các bạn, lịch sử chung của chúng ta", ông nói và ca ngợi 'các nhà khoa học, kỹ sư và những công dân có trách nhiệm' đang thất vọng trước quyết định của ông Trump. "Hãy đến Pháp và xem đây như quê hương thứ hai để cùng nhau thảo luận các giải pháp cụ thể để bảo vệ hành tinh".
Động thái công kích thẳng thừng của ông Macron làm hả hê những người Mỹ phản đối hành động của ông Trump nhưng điều đó cũng tiềm ẩn rủi ro, Stephen Collinson của CNN bình luận.
Bài phát biểu của ông Macron làm phấn chấn một số người tại Mỹ - những người nhanh chóng chia sẻ trên Facebook và Twitter, nhưng vẫn chưa rõ đa số người dân Mỹ có chấp nhận việc họ được một tổng thống nước khác thuyết giảng hay không.
Ông Trump đã lập luận rằng chính sách "nước Mỹ trước tiên" có nghĩa là phải giảm ảnh hưởng của các nước khác với Mỹ.
"Đã đến lúc đặt thành phố Youngstown, bang Ohio, thành phố Detroit, bang Michigan, thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania cùng với nhiều nơi khác trên đất nước vĩ đại của chúng ta trước Paris của nước Pháp", ông Trump phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hôm 1/6 khi giải thích quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Bằng cách nhại lại khẩu hiệu tranh cử của Trump khi nói rằng ông muốn "làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại", Macron đã quyết định 'so găng' với một đối thủ vốn nổi tiếng rất nhạy cảm với những chỉ trích cá nhân và sẵn sàng công kích bất cứ động thái làm bẽ mặt công khai nào. Điều này có nghĩa là quan hệ Pháp - Mỹ có thể phải trả giá, theo Stephen Collinson.
Tuy nhiên, việc ông Macron kêu gọi người dân Mỹ chống quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của ông Trump dường như là nỗ lực nhằm định hình câu trả lời cho một câu hỏi đang lan truyền ở các thủ đô châu Âu, đó là: Liệu quyết định rút lui khỏi các giải pháp đa phương toàn cầu của Trump chỉ là nhất thời hay nó sẽ kéo dài vượt thời gian tại vị của ông và trở thành chuẩn mực bình thường mới đối với vai trò toàn cầu của Mỹ, khiến hệ thống toàn cầu phải được tổ chức lại?
Macron, người nhận được sự ủng hộ của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, đang đặt cược rằng người dân Mỹ cuối cùng sẽ chống đối Trump và đưa đất nước họ trở lại vai trò toàn cầu.
Trump, Macron nghiến răng, siết chặt tay trong lần đầu gặp
Lấp khoảng trống lãnh đạo toàn cầu
Thời điểm mà video bài phát biểu của Macron được tung ra không phải là tình cờ. Ông tung ra lời phát biểu sau khi kết thúc một cuộc nói chuyện điện thoại với Trump, điều đó cho thấy rõ ràng Tổng thống Pháp đang cố gắng lấp khoảng trống vai trò lãnh đạo toàn cầu mà nhiều đồng minh cảm thấy sau quyết định của Mỹ.
Macron còn phát biểu với người dân Mỹ và thế giới bằng tiếng Anh. Đây là điều đặc biệt với một tổng thống Pháp, được coi là người bảo vệ tối cao của văn hóa cộng đồng Pháp ngữ.
Đây không phải là lần đầu tiên Macron đối đầu với Trump. Khi ông và Trump gặp nhau lần đầu tiên ở Brussels, Bỉ ngày 25/5, cả hai đã bặm môi, gồng sức khi bắt tay nhau.
Macron sau đó nói với một tờ báo Pháp rằng màn đối mặt lần đầu này là "giây phút thử thách", cho thấy ông sẽ không chịu bất kỳ nhượng bộ nào đối với Tổng thống Mỹ.
Đối đầu với Putin
Macron tiếp đón Putin tại PhápMacron cũng thể hiện một màn đối đầu mạnh mẽ khác khi ông gặp Tổng thống Nga Putin tại Cung điện Versailles, Pháp hôm 29/5.
Macron đã dành cho Putin cuộc đón tiếp trọng thị và ngầm so sánh ông với Peter Đại đế, người thành lập thành phố St. Petersburg (quê hương của Putin) từng đến thăm Pháp vào thế kỷ 17 như một phần của tiến trình mở cửa nước Nga với các ảnh hưởng của phương Tây.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chung sau đó, Macron công khai phàn nàn rằng các hãng tin nhà nước Nga gồm Russia Today và Sputnik đóng vai trò như "các tác nhân gây ảnh hưởng" và "tuyên truyền gian dối" trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vì Điện Kremlin muốn Marine Le Pen, đối thủ phe cánh hữu của Macron, thắng cử.
Những lời phàn nàn của Macron là lên án mang tính cá nhân nhất trong các cáo buộc nói rằng Nga tìm cách can thiệp vào bầu cử ở phương Tây. Bằng cách làm như vậy, Macron cũng thể hiện lập trường đối lập với Trump. Ông Trump đã bác bỏ cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái.
Màn giao thiệp khởi đầu của Macron dành cho Putin và Trump là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng dù tuổi đời còn tương đối trẻ (Macron trẻ hơn Putin 25 tuổi và trẻ hơn Trump 30 tuổi) nhưng Macron sẽ không dễ dàng bị các lãnh đạo quyền lực lấn át.
Chiến thắng của ông trước đối thủ Le Pen, người ủng hộ chủ nghĩa dân túy, đã đưa ông lên lớp trên trong dàn lãnh đạo phương Tây cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tuy nhiên, sự non kinh nghiệm của Macron và tính cách thất thường của Trump đồng nghĩa với việc Macron có thể đang đùa với lửa, Stephen Collinson nhận định. Các lãnh đạo khác như Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã không chọn cách công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ.
Thái độ đối đầu của Macron cũng như Merkel dành cho Trump trong những ngày qua có thể phản tác dụng vì nó có thể đẩy Trump ra xa khỏi họ và đi theo hướng ngược lại với lợi ích của các đồng minh, gây tổn thương thêm cho mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương vốn rất quan trọng đối với an ninh Mỹ và Pháp, Collinson kết luận.
Hồng VânNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn