Khurum Shazad Butt, một trong ba nghi phạm gây ra vụ khủng bố ở London. Ảnh: Guardian |
Cảnh sát Anh ngày 5/6 xác định Khuram Shazad Butt là một trong ba kẻ đã gây ra vụ khủng bố ở London khiến 7 người thiệt mạng. Cảnh sát cũng xác nhận rằng Butt đã nằm trong danh sách tình nghi của họ và cơ quan tình báo Anh MI5, nhưng không kịp ngăn chặn vì không có bằng chứng rõ ràng về một kế hoạch tấn công sắp diễn ra, theo BBC.
Theo giáo sư Peter Neumann và tiến sĩ Shiraz Maher đến từ Trung tâm Nghiên cứu Cực đoan hóa Quốc tế (ICSR) thuộc Đại học King, London, thực tế này phản ánh sự phức tạp và khó khăn của công tác chống khủng bố ở Anh, khi hành trình trở thành khủng bố của những phần tử cực đoan ngày càng trở nên tinh vi, khó nắm bắt.
Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua cũng một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Internet như một "chốn ẩn náu" cho các hoạt động cực đoan hóa và tuyển mộ khủng bố.
Trong 5 năm qua, ICSR đã theo dõi và thu thập thông tin của gần 800 người phương Tây bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyển mộ đến Iraq và Syria. Kết quả phân tích và nghiên cứu của tổ chức này cho thấy Internet có vai trò rất phức tạp trong hoạt động cực đoan hóa của IS và các hành vi lôi kéo, tuyển mộ không chỉ đơn thuần diễn ra trên mạng.
Trong trường hợp của Butt, hành trình từ một người dân bình thường ở London trở thành kẻ lao xe, vung dao đâm chém người vô tội đã minh chứng cho quá trình cực đoan hóa phức tạp như vậy.
Một người bạn cũ của Butt nói với BBC rằng anh đã báo cáo với cảnh sát những nghi vấn về Butt, sau khi người đàn ông này theo dõi Ahmad Musa Jibril trên mạng xã hội. Jibril là một giáo sĩ người Mỹ gốc Palestine, đang sống tại Michigan và xây dựng một mạng lưới quy mô lớn trên mạng kết nối từ những kẻ tuyển mộ phương Tây cho tới các phần tử khủng bố ở Syria.
Điều khiến người bạn này thất vọng là lực lượng chống khủng bố Anh chỉ hỏi qua loa vài câu và sau đó không liên lạc lại, cũng không bắt giữ Butt. Anh này đã không ngạc nhiên khi hay tin Butt là kẻ tham gia vào vụ tấn công.
Một nghiên cứu của ICSR năm 2014 cho thấy hơn một nửa tay súng phương Tây được IS tuyển mộ đều là những người theo dõi Jibril trên Facebook hoặc Twitter, biến ông ta trở thành một kẻ quan trọng trong mạng lưới.
Điều khiến Jibril không bị sa lưới pháp luật là ông ta không bao giờ công khai kích động những người theo dõi có các hành vi bạo lực, hay khuyến khích họ gia nhập phong trào cực đoan ở Syria. Thay vào đó, Jibril chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt tinh thần, ủng hộ các nguyên tắc của phe đối lập vũ trang chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad và khiến mọi người trong mạng lưới cảm thấy tội lỗi khi không cầm súng chiến đấu.
Kết nối ngoài đời thực
Tuy nhiên, nghiên cứu của ICSR cho thấy yếu tố mang tính quyết định biến một kẻ cực đoan về niềm tin và lý tưởng trở thành kẻ khủng bố sẵn sàng hành động không phải là những trò tuyên truyền, lôi kéo trên mạng như của Jibril, mà là những mạng lưới kết nối ngoài đời thực.
Các chuyên gia tin rằng Butt là thành viên của mạng lưới cực đoan al-Muhajiroun, được thành lập bởi Anjem Choudary, phần tử cực đoan khét tiếng ở Anh, bị kết án vào năm 2016 vì lôi kéo người khác ủng hộ IS.
Choudary cũng có một kênh YouTube riêng để tuyên truyền tư tưởng cực đoan, nhưng trên thực tế, những kẻ được hắn ta lôi kéo đều là người thân quen và được tuyển mộ trong các cuộc gặp gỡ mặt đối mặt.
Một hàng xóm của Butt kể rằng ông thường xuyên nhìn thấy nhóm 3-4 người mặc trang phục Hồi giáo truyền thống tới thăm căn hộ của anh ta. "Tôi thấy họ khá thân mật với nhau. Họ luôn mặc trang phục tôn giáo, với tấm khăn kẻ ca-rô đỏ trắng choàng trên đầu", người này cho biết.
Thứ mà Choudary mang lại cho các thành viên trong nhóm là cảm giác được sống và thuộc về một cộng đồng, cũng như sự "chân thành" giữa các bạn hữu. Điều đó tạo ra sợi dây gắn kết giữa các cá nhân trong nhóm dựa trên cái được gọi là "tình bằng hữu".
Giáo sư Neumann cho rằng Internet có vai trò quan trọng trong việc truyền bá thông tin và xây dựng hình ảnh cho các tổ chức khủng bố như IS, nhưng nó không thể thay thế được khả năng của những kẻ tuyển mộ ngoài đời thực.
Kể từ khi thành lập, mạng lưới của Choudary đã có liên quan tới nhiều vụ tấn công cả ở Anh lẫn ở nước ngoài, cùng hàng chục tay súng tìm đường đến Syria gia nhập và chiến đấu cho IS.
Anjem Choudary. Ảnh: Reuters |
Các cơ quan tình báo, an ninh, các công ty cung cấp dịch vụ Internet có thể tìm cách ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền cực đoan trên mạng, nhưng những cuộc gặp gỡ bí mật, những bài thuyết giảng theo nhóm 4-5 người của những kẻ như Choudary mới là thử thách thực sự mà lực lượng chống khủng bố phải đối mặt. Thông điệp cực đoan mà những kẻ này phát đi đã âm thầm len lỏi khắp mọi ngõ ngách ở Anh mà hầu như không thể bị ngăn cản.
Một trong những thử thách lớn đối với lực lượng an ninh chống khủng bố Anh chính là thiếu hụt nhân lực cần thiết để tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo, theo dõi, giám sát những kẻ khả nghi. Số liệu của Bộ Nội vụ Anh cho thấy biên chế cảnh sát Anh và xứ Wales giảm hơn 19.500 người trong vòng 6 năm qua, trong khi số cảnh sát được phép mang theo vũ khí đã giảm từ 6.976 người năm 2010 xuống còn 5.639 người năm 2016.
"Chúng ta không thể bảo vệ người dân bằng chi phí rẻ", Jeremy Cobyn, lãnh đạo Công đảng Anh, chỉ trích việc cắt giảm nhân lực của lực lượng cảnh sát nước này từ năm 2010 tới nay.
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn