Người dân ở thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: AFP |
Một giám đốc điều hành Qatar phải hủy kỳ nghỉ gia đình trị giá 150.000 USD tại Arab Saudi. Một phụ nữ Qatar phàn nàn rằng mua quần áo trực tuyến từ nước ngoài giờ đây phải đợi chờ lâu hơn trước vài ngày.
Một số cho biết họ không thích hương vị sữa Thổ Nhĩ Kỳ mới tại các cửa hàng mà thích loại cũ của Arab Saudi hơn. Nhưng một tài phiệt đã đưa ra giải pháp: ông dự định chuyển 4.000 con bò qua đường hàng không vào Qatar.
Qatar đã bị cô lập trong tháng qua, nhưng việc đó không khiến quốc gia giàu có này chịu nhiều khó khăn, theo NYTimes.
Khi 4 quốc gia Arab chặn đường hàng không và vận chuyển của Qatar trong tháng trước nhằm buộc nước này phải thay đổi chính sách ngoại giao và ép họ đóng cửa đài truyền hình có ảnh hưởng Al Jazeera, ban đầu có sự hoảng loạn khi người dân Qatar đổ xô đến siêu thị mua đồ tích trữ. Nhưng nỗi lo đó nhanh chóng lắng xuống. Kho bạc khổng lồ của Qatar đủ sức giữ cho 300.000 người dân sống trong sự thoải mái mà họ đã quen.
Cửa khẩu từ Qatar sang Arab Saudi vắng bóng người. Video: Reuters
Bến cảng trị giá 7 tỷ USD, bắt đầu hoạt động từ tháng 12 năm ngoái, dự kiến là nơi nhận các lô hàng từ những nhà cung cấp mới ở Iran, Ấn Độ và các nơi khác.
"Chúng tôi có thể lo liệu vấn đề tài chính ổn thỏa mà không cần phải động vào các khoản đầu tư của mình", Saif bin Ahmed al-Thani, thành viên hoàng gia Qatar và là quan chức truyền thông cao cấp của chính quyền, nói. "Không có vấn đề gì".
Qatar đã 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt' với các nước láng giềng trong nhiều năm vì chính sách đối ngoại độc lập và việc tài trợ cho đài Al Jazeera, cơ quan truyền thông được cho là thường đưa tin bất lợi về Arab Saudi. Năm 2014, Arab Saudi và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) từng rút đại sứ khỏi Doha để phản đối trong 7 tháng. Qatar trong nhiều thập kỷ cũng cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của các nước láng giềng.
Mỗi đêm, người dân Qatar đổ xô tới một bảng hiệu khổng lồ ở ngoại ô Doha để ký tên vào tranh Vua Tamim bin Hamad al-Thani. Bức tranh được vẽ bởi một nghệ sĩ địa phương đã trở thành biểu tượng kháng cự của Qatar.
Trong số những người đến ký có Umm Hassan, một nhân viên chính phủ 40 tuổi. "Trái tim mọi người có chung một nhịp đập", bà nói.
Tuy nhiên, trong khủng hoảng lần này, công dân của hai bên chịu nhiều khó khăn mang tính cá nhân hơn. Gia đình Umm Hassan đã bị chia cách, một người thân qua đời ở Bahrain nhưng không ai có thể tham dự tang lễ. Em họ bà kết hôn với một người UAE và phải đưa con gái một tuổi đến UAE để sống với chồng. Theo luật pháp ở hầu hết các nước Trung Đông, đứa trẻ được thừa kế quốc tịch của người cha và sau khi cắt quan hệ, UAE yêu cầu tất cả công dân rời khỏi Qatar.
"Tổn thất trong cuộc khủng hoảng này là về mặt quan hệ con người", bà Hassan nói. "Đó là việc giữa các chính phủ, nhưng cũng là vấn đề giữa người dân các nước".
Đối với những người khác, khủng hoảng đang diễn ra trên mạng xã hội. Trên Twitter, một số người Arab Saudi chế giễu việc người Qatar giờ phải uống sữa Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đó là "sữa con lừa". Trong khi đó, các thanh niên Qatar đã dùng Snapchat để thể hiện cái nhìn trào phúng về khủng hoảng. Nhiều người đổ lỗi cho ông Mohammed bin Salman, Bộ trưởng Quốc phòng Arab Saudi, người vừa trở thành thái tử của nước này.
"Giờ ai cũng như chính trị gia". Hessa, nhà phân tích đầu tư thuộc Cơ quan đầu tư Qatar, quản lý phần lớn tài sản của nước này ở phương Tây, nhận xét.
Saif bin Ahmed al-Thani, quan chức truyền thông của Qatar, cho rằng cuộc khủng hoảng có thể sẽ leo thang, nhưng ông cho rằng các đối thủ của Qatar cũng sẽ chịu nhiều tổn thất giống họ. "Chúng tôi mất thứ gì thì họ cũng mất thứ đấy", ông nói.
"Chúng tôi bị sụt giảm trong lượng khách hàng không thì họ cũng vậy", ông nói. Khủng hoảng tiếp diễn thì về mặt nội bộ, tài chính hay chính trị chúng tôi cũng không có vấn đề gì".
Phương VũNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn