Vợ ôm xác người chồng trên một đường phố Manila sau khi anh này bị những người đi xe máy bắn chết do bị cáo buộc buôn bán ma túy. Ảnh: Reuters |
Ông Duterte nhậm chức vào ngày 30/6 năm ngoái với lời cam kết mạnh mẽ sẽ xóa bỏ tệ nạn ma túy và tình trạng vô luật pháp mà ông xem như là "triệu chứng của căn bệnh xã hội độc hại".
Các quan chức chính phủ Philippines nói rằng nhờ chiến dịch chống ma túy do Duterte khởi xướng, tỷ lệ tội phạm đã giảm đáng kể, hàng nghìn kẻ buôn bán ma túy bị đưa vào nhà đá, một triệu con nghiện đăng ký tham gia các chương trình cai nghiện ma túy và thế hệ tương lai của Philippines đang được bảo vệ trước tệ nạn này.
"Đúng là có hàng nghìn người đã bị chết nhưng có hàng triệu người được sống tốt", Oscar Albayalde, cảnh sát trưởng thủ đô Manila, nói.
Tuy nhiên, bất chấp các tuyên bố ca ngợi sự thành công của chiến dịch chống ma túy từ nhà chức trách, làn sóng chỉ trích từ các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, giới luật sư và Giáo hội Công giáo Philippines đang ngày càng gia tăng.
Họ chỉ trích cảnh sát hành quyết các nghi can ma túy mà không qua xét xử nhưng được miễn hình phạt. Họ cáo buộc cảnh sát hăm dọa các cộng đồng dân cư nghèo và thổi bùng tình trạng vô luật pháp mà họ có trách nhiệm kiểm soát.
"Tổng thống Duterte hành xử như thể ông ấy đứng trên luật pháp và ông ấy chính là luật pháp. Ông ấy phớt lờ tính thượng tôn pháp quyền và nhân quyền", Amado Picardal, một linh mục Philippines, viết trong một bài báo.
Giá ma túy đá đang rẻ hơn
Các bên ở Philippines vẫn đang tranh cãi về số người thiệt mạng chính thức trong cuộc chiến chống ma túy. Những người chỉ trích cho rằng số người thiệt mạng đã vượt quá 5.000 người. Cảnh sát xác định đây là những đối tượng bị giết trong các vụ việc liên quan đến ma túy hoặc những nghi phạm bị bắn chết trong các chiến dịch truy bắt của cảnh sát.
Những người chỉ trích cho rằng hầu hết nạn nhân đều là những con nghiện và những kẻ buôn bán ma túy nhỏ lẻ, trong khi đó, những kẻ cầm đầu đường dây buôn bán ma túy với lợi nhuận béo bở phần lớn vẫn chưa bị phát hiện và bắt giữ.
Nếu chiến lược chống ma túy của ông Duterte thành công thì theo quy luật kinh tế, giá của ma túy đá (tiếng Philippines gọi là shabu) phải tăng lên do nguồn cung bị co hẹp. Tuy nhiên, các số liệu của Cục Phòng chống ma túy Philippines (PDEA) lại cho thấy giá shabu thậm chí đang rẻ hơn ở Manila.
Tháng 7/2016, giá mỗi gram shabu khoảng 1.200 - 11.000 peso (24 - 220 USD) nhưng tháng trước giá của chúng dao động từ 1.000 - 15.000 peso (20 - 300 USD).
Dao động giá rộng phản ánh những thay đổi về nguồn cung sẵn sàng đáp ứng và biến động giá khác nhau giữa các khu vực. Các quan chức cho biết ma túy đá trên đường phố Manila nằm ở khoảng giá thấp nhất và giá của chúng đang xuống dù chỉ vài USD.
"Nếu giá giảm, đó là chỉ dấu cho thấy các biện pháp thực thi pháp luật không hiệu quả", chuyên gia Gloria Lai ở Tổ chức chính sách ma túy quốc tế (IDPC), nói.
Theo Derrick Carreon, người phát ngôn PDEA, vấn đề nằm ở chỗ trong khi 9 phòng thí nghiệm bào chế shabu trong nước đã bị triệt phá, shabu tuồn lậu từ nước ngoài đã lấp nguồn cung thiếu hụt trên thị trường.
Dù nguồn cung shabu buôn lậu từ nước ngoài giúp giá ma túy giảm xuống ở thủ đô Manila, số liệu chính thức cho thấy giá shabu đã tăng lên ở những vùng xa xôi chẳng hạn như đảo Mindanao, nơi đang bị tàn phá bởi quân phiến loạn.
Tháng trước, Tổng thống Duterte đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở Mindanao sau khi các tay súng có liên hệ với tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tràn vào chiếm thành phố Marawi. Lực lượng chính phủ không giành lại được thành phố này nhanh chóng, việc này đã làm tổn hại đến hình ảnh của tổng thống với tư cách là một nhà lãnh đạo của trật tự và luật pháp.
Sợ hãi khi ra đường vào ban đêm
Các cuộc khảo sát của tổ chức thăm dò ý kiến Social Weather Stations (SWS) ở Manila cho thấy phần lớn người dân ủng hộ chiến dịch chống ma túy của Duterte nhưng họ cũng lo ngại về các phương thức trấn áp đẫm máu của chiến dịch này và nghi ngờ về tính hiệu quả của nó.
Các cuộc khảo sát của SWS ở mỗi đầu ba quý đầu tiên dưới thời cầm quyền của Duterte cho thấy mức độ hài lòng rất cao với chiến dịch chống ma túy, Leo Laroza, nhà nghiên cứu cấp cao ở SWS, cho biết.
Trong cuộc khảo sát gần đây nhất, công bố vào tháng 4, 92% người được hỏi nói rằng điều quan trọng là phải bắt sống nghi can ma túy. Những người trả lời khảo sát cũng cho biết số các vụ cướp bóc đường phố và đột nhập trộm cắp tăng 6,3%. Hơn 50% nói rằng họ lo sợ khi ra ngoài vào ban đêm, một tỷ lệ hầu như không thay đổi kể từ khi chiến dịch chống ma túy được phát động, Laroza nói.
"Mọi người vẫn lo sợ đi ra ngoài vào ban đêm ở cộng đồng họ đang sống. Tỷ lệ người lo sợ không giảm xuống", ông nói.
Cảm nhận của người dân và cảnh sát về tỷ lệ tội ác dường như trái ngược nhau.
Ban truyền thông của tổng thống dẫn số liệu của cảnh sát cho biết tỷ lệ tội phạm trong 9 tháng cầm quyền đầu tiên của Duterte giảm 30%.
Cảnh sát Albayalde cho biết người dân, đặc biệt là ở Malina, giờ đây cảm thấy an toàn hơn nhờ chiến dịch trấn áp những con nghiện, những người mà ông cho rằng gây ra hầu hết các vụ phạm tội.
Theo cảnh sát Philippines, trong 11 tháng cầm quyền đầu tiên của Duterte, 3.155 nghi phạm bị bắn chết trong các cuộc bố ráp chống ma túy. Những người chỉ trích nói rằng nhiều người trong số họ bị hành hình không qua xét xử.
Cảnh sát cho biết họ đã điều tra 2.000 vụ giết chóc liên quan đến ma túy khác và chưa phát hiện động cơ trong ít nhất 7.000 vụ án mạng khác. Những nhà giám sát nhân quyền tin rằng nhiều người trong số này bị sát hại bởi cảnh sát chìm hoặc những kẻ giết thuê - cáo buộc bị cảnh sát bác bỏ.
Lực lượng phản ứng nhanh của cảnh sát quốc gia Philippines được triển khai trong một chiến dịch trấn áp ma túy ở thành phố Mandaluyong, phía đông Manila. Ảnh: Reuters |
Nạn nhân là người nghèo
Đối với người dân ở cảng Navotas, một khu vực với nhiều ngôi nhà tồi tàn gần bến cảng của Manila, số người chết trong cuộc chiến chống ma túy quá cao. Theo báo chí địa phương, vào đầu tháng 6, chỉ trong một đêm, có 9 vụ giết chóc xảy ra ở Navotas.
Mary Joy Royo, một người dân địa phương kể lại rằng hồi giữa tháng 5, một nhóm hơn 10 người cầm súng đi trên xe máy đã bắt cóc mẹ và cha dượng của cô. Sau đó, thi thể của họ được phát hiện với các phát đạn bắn ở đầu và trên bụng.
"Họ nên nhắm đến các tay trùm ma túy. Nạn nhân của cuộc chiến ma túy này toàn là người nghèo", cô nói.
Khi con số người chết tăng, sự phẫn nộ trong nước và quốc tế cũng dâng lên. Tháng 10 năm ngoái, Tòa án hình sự quốc tế ở The Hague, Hà Lan đe dọa mở cuộc điều tra các vụ giết chóc trong chiến dịch trấn áp ma túy ở Philippines nếu chúng được "thực hiện như một phần của cuộc tấn công có hệ thống hoặc có quy mô rộng chống lại dân thường".
Cảnh sát Philippines đã ngưng các chiến dịch truy lùng và thanh trừng tội phạm ma túy trong phần lớn tháng hai sau khi lực lượng cảnh sát chống ma túy bắt cóc và sát hại doanh nhân người Hàn Quốc Jee Ick-joo vào năm ngoái. Vụ việc khiến Tổng thống Duterte phải đưa ra lời xin lỗi và Tư lệnh Cục cảnh sát quốc gia Ronald dela Rosa đệ đơn từ chức nhưng không được ông Duterte chấp nhận.
Song sự phẫn nộ trước số người chết ngày càng tăng cao không làm giảm các hành động giết chóc hay dẫn đến các quyết định khởi tố vụ án.
Ủy ban Nhân quyền Philippines (PCHR) đang điều tra 680 vụ giết chóc trong cuộc chiến chống ma túy. "Ở đất nước này, vấn đề cơ bản là tình trạng giết người mà không bị trừng trị. Chưa có người nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho những vi phạm tồi tệ nhất", Chito Gascon, chủ tịch PCHR, nói.
Ông Albayalde cho biết Văn phòng nội vụ (IAS) của Cục cảnh sát quốc gia Philippines đang điều tra tất cả cáo buộc lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ của những cảnh sát dưới quyền.
"Chúng tôi không tha thứ cho những vụ giết người dã man. Chúng tôi không phải hễ muốn là giết bất kỳ ai".
IAS cho biết họ đang điều tra 1.912 vụ khiếu nại liên quan đến chiến dịch ma túy và đã đề nghị sa thải 159 cảnh sát vì hành xử sai trong các chiến dịch trấn áp ma túy. Tuy nhiên, hiện chưa rõ có bất kỳ cảnh sát nào bị sa thải hay chưa.
Tổng thống Duterte đã liên tục hối thúc cảnh sát giết các nghi phạm ma túy và cam kết sẽ xá tội nếu họ bị kết án về hành động giết người. "Khi người đứng đầu quốc gia hô hào cảnh sát giết chóc và rồi nói rằng: 'Tôi chống lưng cho các bạn', điều đó tạo ra hiệu ứng rất lớn", Gascon, chủ tịch PCHR nói.
Hồng VânNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn