Reuters hôm qua cho hay Mỹ đang yêu cầu Nga cho phép phương Tây gửi quan sát viên đến cuộc tập trận tháng 9 tới của Nga, để giảm các mối lo ngại.
"Nga nên cho phép các quan sát viên, bao gồm cả nhà báo phương Tây, tham dự cuộc tập trận quân sự sắp tới", vị chỉ huy của quân đội Mỹ ở châu Âu - Trung Tướng Ben Hodges - nói với Reuters.
Tướng Hodges đưa ra tuyên bố này khi Ukraine cáo buộc Nga tập hợp hơn 40.000 lính tại Crimea, một bán đảo mà Moscow sáp nhập năm 2014, nằm ở biên giới giáp Ukraine. Washington tiếp tục phủ nhận việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ.
Ông từ chối ước tính số lượng quân đội Nga hay suy đoán về ý định của ông Putin trước cuộc tập trận quy mô lớn diễn ra gần biên giới Ukraine nhưng bình luận, Nga có thể giúp giảm những mối lo ngại trên bằng cách làm theo “tấm gương” của các cuộc tập trận Mỹ và các đồng minh ở châu Âu, nơi Nga được phép gửi quan sát viên tới.
"Người Nga thực sự có thể giúp làm giảm bớt căng thẳng và cung cấp một sự ổn định nếu họ mời các nhà quan sát đến", Hodges nói. "Điều đó sẽ giúp giảm thiểu sự lo lắng rất nhiều."
"Cuộc tập trận này không có gì sai. Nó chỉ thiếu sự minh bạch", Trung Tướng Mỹ, ông Hodges kết luận.
Một quan chức tình báo của Mỹ gọi sự vắng mặt của các nhà quan sát tập trận ở Nga là "một sự phát triển đáng lo ngại mà chúng tôi hy vọng chỉ là một sai sót."
Tập dượt truớc chiến tranh?
Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc tập trận của cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga sắp tới sẽ là đợt tập dượt lần cuối trước khi Nga và Ukraine lao vào chiến tranh, các chuyên gia tại Úc lại đánh giá, hòa bình là điều cả 2 quốc gia này đang muốn giữ vững.
Giáo sư Paul Dibb tại Đại học Quốc gia Australia cho rằng, dù Nga (bị coi) là một trong những "mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới" hiện nay, việc nước này lao vào cuộc chiến với Ukraine hay với cả NATO là điều không thể.
Nga có một thế mạnh áp đảo đối với bất kỳ nước láng giềng nào về quân sự nếu quốc gia đó nhận sự hỗ trợ của phương Tây. Các yếu tố chính trị, quân sự là điều quan trọng nhất với vai trò là Tổng thống của ông Vladimir Putin, người đã xác định tái thiết lập vị trí của Nga và phục hồi vị thế địa chính trị Á-Âu.
Nhưng Nga không phải thực hiện các mong ước chiến tranh để giành lấy vị thế. Khi đối mặt các cáo buộc đến từ phương Tây, Moscow luôn xem xét sự thay đổi của các yếu tố tới từ các căn cứ quân sự Mỹ/NATO tại các nước láng giềng Nga. Điều này cho thấy nhận thức về an ninh luôn được Nga đặt ra hàng đầu trước những sự thay đổi chính sách tiếp cận của Mỹ.
Do vậy, quan trọng đối với Nga hiện nay chỉ là việc NATO chấp nhận Ukraine gia nhập tổ chức này. Đây được coi là "lằn ranh đỏ" của Putin và việc này sẽ coi như là một lời kêu gọi chiến tranh đối với Moscow.
Đó là thời điểm mà buộc Nga sẽ phải đẩy cuộc chiến tranh tới sự bắt đầu và không thể không có khả năng Nga sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình.
"Động thái như vậy sẽ thuyết phục Putin rằng, Nga sẽ phải ra ngõ gặp ngay Mỹ và NATO. Song Putin hiện chỉ đang duy trì các mối đe dọa và nhiều khả năng hòa bình vẫn tiếp diễn dưới bầu trời NATO, Ukraine", GS. Paul Dibb nói.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 13/8 khi điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden, đã khẳng định, Kiev muốn tránh gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Moscow.
Trang web của Tổng thống Ukraine nêu rõ người đứng đầu nhà nước đã khẳng định mong muốn của Kiev tránh làm gia tăng căng thẳng liên quan đến những cáo buộc "vô căn cứ" của Moscow. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí nên tiếp tục đối thoại theo hình thức "Bộ tứ Normandy” gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng trong bối cảnh này đàm phán Normandy không còn ý nghĩa.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong khi nói về khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine đã cho biết rằng, nếu giả sử không còn lựa chọn nào khác thì Tổng thống có thể sẽ ra quyết định.
Nhà ngoại giao Ukraine Vasily Philipchuk sau đó bình luận rằng: “Nếu Nga cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine thì cũng không có ý nghĩa gì, bởi thực tế hiện nay Nga- Ukraine về cơ bản là không quan hệ và cắt đứt chỉ là mang tính kỹ thuật mà thôi”.
Khi Nga cắt quan hệ lãnh sự thì Ukraine có thể ủy thác cho quốc gia thứ ba đại diện để giải quyết các vấn đề lãnh sự, và kể cả vấn đề chính trị, còn về mặt chính trị thì hiện nay vẫn là con số không thì cắt ngoại giao hay không thì chẳng ảnh hưởng, chuyên gia Philipchuk nhận định.
Quan hệ Nga và Ukraine đã trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi FSB thông báo bắt giữ một nhóm biệt kích tại Crimea, cũng như ngăn chặn thành công âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên bán đảo này.
Phía Ukraine đã bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời tuyên bố Nga đang tăng cường quân, cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự gần Crimea. Kiev cũng lập tức gia tăng các động thái quân sự và kêu gọi sẵn sàng chiến đấu tại biên giới nước này với Nga, kể cả giáp Crimea.
Theo Đông Phong/Reuters, News.au, Citizen
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn