Tính từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, đế quốc Nga đã có tổng cộng 13 cuộc chiến tranh với đế chế Ottoman. Trong các lần can qua giữa hai nước thì cuộc chiến thứ bảy kéo dài từ năm 1768 đến năm 1774 là một trong những chiến thắng ngoạn mục của đế quốc Nga trước một đế chế Ottoman đang suy tàn, đồng thời tạo nền tảng giúp xứ sở Bạch Dương dần trở thành một cường quốc trên thế giới trong thế kỷ sau đó.
Xuất phát từ sự tranh giành ảnh hưởng đối với Ba Lan, Hoàng đế Ottoman Sultan Mustafa III tuyên chiến với nước Nga vào ngày 25-9-1768. Ottoman thành lập liên minh với lực lượng khởi nghĩa "Liên minh Bar" của người Ba Lan nhằm chống lại đế quốc của Nữ hoàng Ekaterina. Trong khi đó quân đội của Nữ hoàng Ekaterina II nhận được sự trợ giúp của các cố vấn hải quân Anh, đế quốc đang thống trị các đại dương của thế giới lúc đó.
Chiến trường trên bộ với sự chỉ huy của vị tướng tài năng Aleksandr Vasilyevich Suvorov đã dập tắt lực lượng chống đối Nga tại Ba Lan. Nga tiếp tục đánh tan các đạo quân của Thổ Nhĩ Kỳ tại nhiều vùng lãnh thổ khác nhau của đế quốc Ottoman. Hải quân Nga cũng giành được một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử của mình nhờ cuộc chiến này.
Với sự giúp sức của quân khởi nghĩa Hy Lạp (quốc gia lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của đế chế Ottoman) dưới sự chỉ huy của Aleksey Grigoryevich Orlov, hạm đội Baltic đã tiêu diệt hoàn toàn Hải quân Ottoman trong trận chiến Chesma.
Hiệp ước ký vào ngày 21-7-1774 giữa đế quốc Ottoman và đế quốc Nga đã công nhận sự độc lập Hãn quốc Crimea, nhưng trên thực tế là nước chư hầu của Nga hoàng. Nước Nga nhận được Nam Ukraine và Bắc Caucasus và khoản chiến phí bao gồm 4,5 triệu rúp, cộng thêm hai hải cảng chủ chốt giúp họ mở rộng tầm nhìn ra biển Đen…
Và 13 năm sau, cũng dưới thời Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị, đế quốc Nga tiếp tục có một chiến thắng quân sự lớn trước đế chế Ottoman. Quân đội đế quốc Nga chiếm Ochalov (trên bờ biển Đen, phía Tây Crimea), qua đó sáp nhập bán đảo có vị trí chiến lược này. Biên giới Nga – Thổ bị đẩy đến tận sông Nistru. Đế chế Ottoman cũng mất quyền kiểm soát Gruzia.
Hai cuộc chiến lớn đầu thế kỷ 19, Nga tiếp tục chiến thắng để sáp nhập thêm hàng loạt vùng đất mới vào lãnh thổ rộng lớn của mình, hầu hết đó là các vùng đất cũ hoặc chư hầu cũ của đế chế Ottoman. Đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ mất đi một phần lãnh thổ lớn với việc Hy Lạp giành độc lập.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có được một chiến thắng quan trọng sau khi được Anh, Pháp giúp sức trong chiến tranh Crimea 1853-1856. Sa hoàng Nga Nikolai I đã phải uống thuốc độc tự vẫn khi nghe tin quân đội của ông thất bại trong trận Sevastopol. Nước Nga chịu thiệt hại nặng nhất trong suốt các cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, khi mất quyền hiện diện hải quân tại biển Đen, tuy vậy sau đó Moscow vẫn bù đắp được hầu hết các thiệt hại trên nhờ việc ủng hộ Thủ tướng Đức Otto von Bismarck trong cuộc chiến Pháp - Phổ.
Nga tái thiết căn cứ hải quân tại biển Đen bất chấp các điều khoản hòa ước Paris được ký sau thất bại tại chiến tranh Crimea trước đó. Đế quốc Nga dưới thời Sa hoàng Alexander II còn tiếp tục mở rộng thêm lãnh thổ của mình qua cuộc chiến với Ottoman năm 1877 -1878.
Cuộc chiến tranh thế giới I đánh dấu lần cuối cùng hai đế quốc Nga và Ottoman chạm trán nhau trên chiến trường. Cùng với cuộc Cách mạng Tháng Mười ở Nga, nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời. Hiệp ước Moscow năm 1921 giữa 2 nước giúp Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng thêm 30% diện tích lãnh thổ. Trong thế chiến II, tuy lúc đầu có quan hệ bình thường với Đức nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ vai trò trung lập và sau đó thì đứng hẳn về phía đồng minh chống phát xít.
Cuộc chiến tranh lạnh đánh dấu vai trò tiên phong phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối quân sự NATO. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã chấp nhận cho Mỹ triển khai trên lãnh thổ của mình các tên lửa đạn đạo Jupiter mang đầu đạn hạt nhân nhằm "chống lại mối đe dọa từ phía Bắc". Những tên lửa Jupiter chỉ được Mỹ rút đi theo một thỏa thuận với Liên Xô sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba xảy ra năm 1962…
Tuy vậy, quan hệ giữa 2 nước không chỉ có đối đầu. Quan hệ kinh tế của hai nước có những bước tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Kim ngạch thương mại Nga-Thổ tăng từ 4,36 tỷ USD năm 2001 lên 31 tỷ USD năm 2014. Hai nước từng đặt chỉ tiêu tăng kim ngạch buôn bán lên 100 tỷ USD vào năm 2023. Cùng với việc hàn gắn quan hệ sau vụ bắn rơi Su-24, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tính chuyện khởi động dự án xây dựng đường ống dẫn khí gas qua lãnh thổ Ankara tới châu Âu.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dự án đường ống dẫn khí gas qua Thổ Nhĩ Kỳ khi hoàn thành sẽ giúp Nga "bỏ qua" Ukrane khi xuất khẩu sang châu Âu. Quan hệ kinh tế càng phát triển càng khiến Nga trở nên nặng ký trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ trước các đối tác phương Tây.
Nhìn lại mối quan hệ đầy thăng trầm Nga – Thổ trong 4 thế kỷ qua, thực tế càng khẳng định chân lý “Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu”.
Theo B.N. (tổng hợp)
Công an nhân dân
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn