Đoạn video về bà Suu Ngo đăng tải trên tờ San Francisco Chronicle đã gây hiệu ứng mạnh mẽ, với 11 triệu lượt người xem, hơn 5.000 người bình luận và 41.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội chỉ riêng trong tuần qua.
Bà Ngo, 67 tuổi, nhập cư vào Mỹ và một thân một mình nuôi hai con nhỏ. Nhưng rồi, con gái của bà sớm ra đi khi ở tuổi 33, để lại 3 người con cho bà chăm sóc. Bản thân bà vẫn đều đặn gửi tiền về quê nhà cho mẹ già, nay đã 97 tuổi.
“Là mẹ đơn thân rất khó khăn, nhưng tôi hẵng khỏe. Trời, Phật thương nên tôi còn khỏe và vẫn còn làm được việc” – bà Ngo nói.
Các cháu bà nay đã lớn, và muốn bà nghỉ ngơi ở nhà cho đỡ vất vả, nhưng bà từ chối. Bà nói rằng không muốn nghỉ việc, vì điều đó khiến bà cảm thấy lười biếng.
Bà không muốn cứ ở mãi trong nhà, mà muốn ra ngoài, làm việc và cũng là để tập thể dục.
Sự độc lập, quyết đoán khiến bà luôn vận động. Khi cảm thấy người chủ nhà hàng tỏ ra không tôn trọng bà, bà Ngo đã chủ động nghỉ việc sau 27 năm phục vụ. Sau đó, bà đi tới Tòa thị chính thành phố San Francisco xin việc.
Bà Ngo làm công việc lao công cho cơ quan phụ trách các công việc công cộng DPW suốt hơn 5 năm qua, trên phố Irving.
“Tôi nói rằng tôi cần chăm sóc các cháu ngoại, vì các cháu tôi không có cha mẹ. Tôi cần làm việc. Tôi cần chăm sóc gia đình của mình", bà Ngo cho biết.
"Tôi nói là xin hãy để tôi làm việc, bất cứ việc gì cũng được. Tôi có thể cọ rửa nhà vệ sinh, hay bất kỳ việc gì. Họ nói: bà có chắc là bà muốn quét dọn đường phố không? Có thể là một tuần, hai tuần, họ vẫn thuê tôi làm việc”.
Đối với bà Ngo Suu, nước Mỹ là quê hương thứ hai của bà, và bà cảm thấy ‘hạnh phúc’ khi làm việc trên các con phố. “Mọi người đều rất tốt với tôi, tôn trọng tôi” – bà Ngo nói.
Công việc của bà Ngo là quét dọn dọc các con phố, nhưng ảnh hưởng của người phụ nữ này thậm chí còn vươn xa hơn những nhát chổi của bà.
Các nhà báo Brethauer và tTim Hussin của tờ San Francisco Chronicle đã không ngừng tìm kiếm những gương mặt đời thường với những câu chuyện khiến mọi người ngạc nhiên, gây tò mò, nhưng cũng thể hiện sự thân tình.
Qua câu chuyện của bà Ngo, nhà báo Erin Brethauer muốn nhắc một điều rằng, những người như bà Ngo hiện hữu ở mọi nơi.
“Tôi mừng vì câu chuyện của bà Suu đã cộng hưởng với rất nhiều người. Tôi hy vọng sự lạc quan và cởi mở của bà sẽ lan tỏa, nhắc chúng ta rằng hãy nhìn quanh mình, coi trọng những người láng giềng và chúng ta luôn có một câu chuyện để sẻ chia” – Brethauer nói.
Theo Lê Thu
Vietnamnet
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn