Ảnh minh họa: AFP |
Khoảng một năm trước, Trung Quốc và Mỹ chính thức đồng ý không tiến hành hoặc cố ý hỗ trợ các hành vi trộm cắp qua mạng sở hữu trí tuệ của nhau. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng tình hình không thật sự được cải thiện, theo CNN.
"Vẫn có những hoạt động mạng từ Trung Quốc nhắm mục tiêu vào chính phủ, công nghiệp quốc phòng, mạng máy tính học thuật và tư nhân Mỹ", đô đốc Mike Rogers, tư lệnh Bộ chỉ huy Hoạt động mạng của Mỹ, cho biết.
Những bí mật thương mại bị đánh cắp có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ và dẫn đến mức giá cao hơn cho người tiêu dùng. Thậm chí, đáng lo ngại hơn, bí mật quân sự bị đánh cắp có thể đẩy quân nhân Mỹ vào nguy hiểm khi chiến đấu.
"Nga và Trung Quốc ngày càng quyết đoán và tinh vi hơn trong hoạt động mạng", phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói hồi cuối tháng 7.
Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã bác bỏ thông tin nói rằng họ có liên quan đến các vụ đột nhập và tấn công mạng, nói rằng đó là hành vi do tội phạm thực hiện, không liên quan đến nhà nước.
Cách thức hoạt động
Đôi khi mục tiêu của hoạt động gián điệp trên mạng có thể làm nhiều người ngạc nhiên. Một bài phóng sự của New York Times đã miêu tả tin tặc từ Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát một máy tính cũ phủ đầy bụi ở một công ty nhỏ tại Belleville, Wisconsin, nhằm tiến hành một cuộc tấn công toàn cầu.
"Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ", Lori Cate, chủ sở hữu công ty nói trên, cho biết. "Không thể ngờ được rằng chúng tôi có thể bị lợi dụng như một đơn vị xâm nhập cho các cuộc tấn công xuất phát từ Trung Quốc".
CBS News đưa tin về cách tin tặc Trung Quốc sử dụng phần mềm độc hại và gửi email lừa đảo để theo dõi máy tính của nạn nhân.
Các nhóm hacker được biết đến với những cái tên như Deep Panda, C0d0so0 bị cáo buộc tấn công hệ thống máy tính tại các công ty luật, các ngân hàng và tạp chí Forbes.
Một nhóm được cho là xuất phát từ Trung Quốc được gọi với cái tên Mofang. Mofang đã nhắm mục tiêu vào các cơ quan chính phủ ở Mỹ, cơ quan quân sự ở Ấn Độ và Myanmar, cơ sở hạ tầng quan trọng tại Singapore, bộ phận nghiên cứu và phát triển trong công ty ôtô ở Đức, và ngành công nghiệp vũ khí ở Ấn Độ, Wired viết.
Mục đích
Những dữ liệu bị đánh cắp không chỉ được sử dụng để sao chép các sản phẩm mới và công nghệ quân sự bí mật của Mỹ, ông Cilluffo cảnh báo rằng nó có thể được sử dụng như một vũ khí để tống tiền và nắm thóp một số người Mỹ, buộc họ phải làm điệp viên cho Trung Quốc.
Đôi khi các hoạt động gián điệp nhằm chống lại một đối thủ. "Bắc Kinh cũng sử dụng các cuộc tấn công mạng chống lại các mục tiêu mà họ tin rằng đe dọa sự ổn định trong nước hoặc chính quyền Trung Quốc", James Clapper, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, nói.
"Nỗ lực thu thập thông tin quyết liệt của Trung Quốc dường như nhằm tích lũy dữ liệu và những bí mật sẽ giúp họ củng cố và đẩy mạnh sự phát triển của đất nước về kinh tế, khoa học công nghệ, sức mạnh quân sự - tất cả nhằm đảm bảo lợi thế chiến lược", Cilluffo nói.
Hoạt động gián điệp mạng có thể nhằm tạo ra lợi thế trong tình huống cạnh tranh. Theo The Hill, công ty chống virus F-Secure đã phát hiện ra phần mềm độc hại liên quan đến Trung Quốc trên các máy tính trong bộ phận pháp lý của Philippines, một công ty luật và các thành viên của Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương, Đây là những bên có liên quan đến vụ Philippines kiện yêu sách Biển Đông của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài.
Đôi khi, việc do thám chỉ đơn giản để sao chép phần cứng. Các nước có thể tiết kiệm rất nhiều tiền và thời gian bằng cách đánh cắp thông tin giúp họ sao chép sản phẩm và vũ khí của đối thủ, thay vì phát triển chúng một cách chính đáng. Tháng trước, một công dân 50 tuổi người Trung Quốc tên là Su Bin đã nhận tội âm mưu đột nhập vào mạng máy tính của các nhà thầu quân sự hàng đầu Mỹ, để ăn cắp thông tin nhạy cảm và gửi sang Trung Quốc.
Nhìn chung, Trung Quốc đã thành công trong việc sử dụng gián điệp mạng chống lại chính phủ Mỹ, các đồng minh và các công ty Mỹ, ông Clapper nói.
Ông dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục thách thức Mỹ ở "những mức cạnh tranh cấp thấp hơn", bao gồm "xâm nhập mạng, proxy (máy chủ chuyển tiếp thông tin) và các ứng dụng gián tiếp khác của sức mạnh quân sự - cố ý làm mờ ranh giới giữa hòa bình và hoạt động thời chiến".
Xem thêm: Tin tặc lộng hành ở thời điểm nhạy cảm của vụ kiện 'đường lưỡi bò'
Tờ báo 'diều hâu' gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc
Phương VũNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn