Cậu bé Omran Daqneesh ngồi thất thần trên ghế xe cứu thương sau khi được kéo ra khỏi đống đổ nát của một vụ không kích ở Aleppo. (Ảnh:Getty)
Ngồi bần thần trên chiếc ghế màu cam của xe cứu thương, Omran Daqneesh, cậu bé Syria trong vụ đánh bom ở Qaterji hồi đầu tuần này, nhìn về xa xăm. Cậu đưa tay lên khuôn mặt đang bê bết máu và bụi bặm. Cậu bé không khóc, chỉ im lặng bởi có lẽ cậu bé quá sốc với những gì vừa xảy ra. Bức ảnh chụp khoảnh khắc này của cậu bé đã lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội và khiến cả thế giới lay động.
Omran Daqneesh, 5 tuổi, là một trong 5 đứa trẻ bị thương sau cuộc không kích tối 17/8 của quân chính phủ ở Qaterji Qaterji thuộc thành phố Aleppo, phía bắc Syria tối 17/8. Các tình nguyện viên, phóng viên đã có mặt tại Qaterji ngay sau vụ không kích và bắt đầu tìm cách đưa các nạn nhân khỏi đống đổ nát.
“Chúng tôi di chuyển từ ban công này sang ban công khác”, Mahmoud Raslan, một phóng viên ảnh chụp và quay lại khoảnh khắc thất thần của cậu bé Omran, kể lại. Raslan cho biết anh đã thấy xác 3 nạn nhân trước khi tìm thấy và đưa cậu bé Omran khỏi đống đổ nát.
Omran được cứu cùng với 3 anh chị em khác trong đó có một bé 1 tuổi, một bé 6 tuổi và một bé 11 tuổi và bố mẹ của các em. Điều kì diệu là cả gia đình Omran đều sống sót trong vụ không kích, trong khi đó, tòa nhà nơi gia đình Omran ở đã đổ sụp ngay sau khi họ được giải cứu.
“Chúng tôi lập tức đưa 3 đứa nhỏ trong đó có Omran lên xe cứu thương tới bệnh viện, trong khi cô chị 11 tuổi ở lại chờ cho tới khi mẹ được cứu. Chân của cô ấy bị vùi trong đống đổ nát”, Raslan nói.
Bên trong chiếc xe cứu thương, đến lúc này Raslan mới bắt đầu chụp lại hình ảnh cậu bé Omran khi đó vẫn thất thần nhìn ra bên ngoài, gương mặt dường như trở nên vô cảm vì quá sốc. “Khi nhìn thấy bức ảnh này, tôi biết rằng nó có sức truyền cảm mãnh liệt. Thông thường trong hoàn cảnh này những đứa bé thường sẽ òa khóc. Nhưng cậu bé này thì khác bởi cậu không khóc. Cậu bé thực sự sốc. Đó là điều khiến bức ảnh có sức lay động”, Raslan chia sẻ với hãng tin Telegraph.
Cậu bé im lặng ngay cả khi được chuyển đến bệnh viện M10 điều trị, nhưng đôi mắt cậu mở to hơn khi nhìn thấy khung cảnh máu me, người bị thương ở xung quanh mình. Muhammed Abu Rajab, bác sĩ điều trị vết thương cho Omran cho biết: "Cậu bé không tin vào những gì cậu nhìn thấy. Cậu ấy không biết điều gì đang xảy ra. Khi cậu ấy lên tiếng thì điều đầu tiên cậu ấy hỏi là cha mình đâu".
Omran được xuất viện cùng với cha mẹ sau khi được điều trị vết thương ở đầu. (Ảnh: Telegraph)
Sau khi được điều trị vết thương, cuối cùng Omran được xuất viện cùng với cha mẹ và gia đình cậu hiện ở cùng với người họ hàng. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cậu ngồi thất thần trên ghế xe cứu thương đã làm dậy sóng các mạng xã hội. Mustafa al-Sarout, một phóng viên nằm vùng tại Aleppo, cũng đã quay lại cảnh cậu bé Omran khi cậu được cứu ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà. Phóng viên này chia sẻ: “Tôi từng nhìn thấy rất nhiều đứa trẻ được cứu khỏi đống đổ nát, nhưng cậu bé này thì khác, ở cậu thể hiện rõ hình ảnh của những đứa trẻ vô tội. Cậu không biết điều gì đã xảy ra. Tôi chụp rất nhiều ảnh hiện trường không kích ở Aleppo, nhưng đây là lần mà tất cả đều tập trung thể hiện ở khuôn mặt, ở hình ảnh máu me, khói bụi và cả độ tuổi”.
Với nhiều người trên thế giới, hình ảnh cậu bé Omran là thông điệp lên án chiến tranh, nó cho thấy sự tàn phá của chiến tranh với đất nước Syria, những mất mát mà những đứa trẻ vô tội phải gánh chịu.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua 18/8 đã gọi bức ảnh về Omran là “bộ mặt thật về chiến sự ở Syria”. “Cậu bé đó chưa từng có một ngày sống thực sự ở nơi không có chiến tranh, không có chết chóc, không có sự tàn phá, nghèo đói”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói. Ông hối thúc các bên tham chiến ở Syria ngừng các hoạt động thù địch để đưa Syria trở lại hòa bình.
Theo con số thống kê mới nhất được Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, cuộc nội chiến Syria kéo dài hơn 5 năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 280.000 người, trong đó có khoảng 81.000 dân thường. Ngoài ra, nội chiến kéo dài cũng đã đẩy hơn một nửa dân số Syria phải bỏ nhà đi lánh nạn, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong các hành trình nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải. Làn sóng di cư và tị nạn từ Syria cũng khiến châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Minh Phương
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn