Omran Daqneesh ngồi đờ đẫn trên xe cứu thương sau khi được giải cứu từ một ngôi nhà sập ở Aleppo, Syria. Ảnh: AMC |
Tên em là Omran Daqneesh. Hình ảnh em lặng im ngồi trên ghế trong một chiếc xe cứu thương, toàn thân phủ kín bụi đất, được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sức tàn phá khủng khiếp cũng như những ảnh hưởng sâu sắc của bóng ma chiến tranh đang bao phủ lên đất nước Syria, theo CNN.
Daqneesh mới 5 tuổi, bằng đúng số năm chiến sự bùng phát ở Syria. Em sống với cha mẹ, anh trai và chị gái tại chính "chảo lửa" Aleppo. Gia đình Daqneesh đều bị thương sau khi một đợt không kích hôm 17/8 khiến ngôi nhà nơi cả nhà em ở sụp đổ hoàn toàn.
Aleppo, thành phố phía bắc Syria, nhiều năm nay liên tục bị vây hãm. Hàng nghìn người, trong đó có 4.500 trẻ em, đã phải bỏ mạng dưới bão bom, mưa đạn, ngày ngày giáng xuống nơi đây.
Hình ảnh đau lòng
Video đầy ám ảnh và đau thương về Omran Daqneesh do Trung tâm Truyền thông Aleppo đăng tải đã tạo nên một cơn chấn động. Trong video, một nhân viên cứu hộ bế Daqneesh lên xe cứu thương. Góc trái gương mặt em dính đầy máu. Chiếc áo phông em mặc phủ kín bụi. Em lặng thinh dù mọi người xung quanh nháo nhác. Đặc biệt, em không hề khóc dù chỉ một tiếng nhỏ suốt quá trình được giải cứu.
"Cậu bé quá sốc", phát ngôn viên từ Trung tâm Truyền thông Aleppo nói.
Daqneesh dường như không còn biết gì nữa. Tay em đặt trên đùi, cứ thế lặng lẽ chờ đợi người đến chữa trị cho mình, chờ một sự giúp đỡ.
Nhưng có lẽ Omran Daqneesh vẫn còn may mắn khi em là một trong những nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi đống đổ nát. Và quan trọng hơn cả, em còn sống.
Câu chuyện thường nhật
Bé trai bị kẹt dưới đống đổ nát sau một đợt oanh kích ở Aleppo hôm 25/7. Ảnh: AFP |
"Thực tế, hình ảnh mà các bạn nhìn thấy hôm nay lặp lại ở Aleppo mỗi ngày", Mustafa al Sarouq, nhà quay phim từ Trung tâm Truyền thông Aleppo, người ghi lại những khoảnh khắc gây xúc động về Omran Daqneesh, cho hay.
"Chúng tôi đưa tin các vụ thảm sát hay tội ác chiến tranh như thế này hàng ngày. Khi chúng tôi đến những nơi bị đánh bom, máy bay quân chính phủ vẫn lượn vòng trên bầu trời và oanh kích, giết chết cả các nhân viên cứu hộ đến để giúp đỡ dân thường", Sarouq kể.
Theo một nhà hoạt động có mặt tại hiện trường, người ta phải mất gần một tiếng mới có thể đưa Omran ra khỏi đống gạch vỡ. Cũng trong đêm ấy, các nhân viên cứu hộ còn giải cứu thành công một bé trai khác, thậm chí còn nhỏ tuổi hơn cả Daqneesh.
Daqneesh đã xuất viện sau hai tiếng điều trị. Bác sĩ cho biết vết thương của em không quá nghiêm trọng so với những người khác.
"Omran vẫn choáng váng và sốc y hệt lúc em ngồi trong xe cứu thương", CNN dẫn lời bác sĩ phẫu thuật Mohammedd ở Aleppo, nói. "Cậu bé vẫn ở trong trạng thái ấy. Không khóc lấy một tiếng".
"Thế giới lặng im"
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, cùng ngày, ít nhất 12 người cũng bị thương tại khu dân cư Qaterchi do quân nổi dậy kiểm soát ở phía đông Aleppo. Một trong những người này đã chết và được cho là có quan hệ với gia đình Daqneesh. Từ ngày 15/3 đến 18/8, hơn 18.000 dân thường đã thiệt mạng ở Aleppo, trong đó 4.500 nạn nhân là trẻ em dưới 18 tuổi.
"Cả thế giới đang lặng thinh trước những tội ác chống lại phụ nữ và trẻ em ở Aleppo", nhà quay phim Sarouq chia sẻ. "Vẫn còn đó hàng nghìn đứa trẻ giống như Omran hàng ngày phải đối mặt với nỗi sợ hãi bởi bom đạn. Điều kiện sống thì vô cùng tồi tệ. Tuyến đường duy nhất rời thành phố hiện bị đóng, không thể sử dụng. Chúng tôi muốn nói với cả thế giới rằng chính quyền này cùng những tay súng dân quân ngoài kia đang giết hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở Aleppo. Những tội ác ấy phải bị chặn đứng".
Lựa chọn đau thương
Bức vẽ của nghệ sĩ Khalid Albaih tóm gọn những lựa chọn mà người dân Syria có trong tay đi kèm với hệ quả tương ứng. Ảnh: Twitter |
Khoảng 1,5 đến hai triệu người vẫn kiên trì bám trụ lại Aleppo. Nơi từng mệnh danh là thành phố lớn nhất Syria này hiện bị chia thành những khu vực do quân nổi dậy và chính phủ kiểm soát.
Câu hỏi mà những người dân ở đây ngày nào cũng đau đáu suy tư là liệu họ nên ở lại thành phố để đương đầu với những trận dội bom không ngớt và mạo hiểm cuộc sống của bản thân cũng như con em mình hay dấn thân ra biển, liều mạng trước những cơn sóng dữ để tìm đến "miền đất hứa" châu Âu.
Năm ngoái, hình ảnh cậu bé Syria Alan Kurdi, hai tuổi, bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi đang trên đường cùng cha mẹ vượt biển vào châu Âu đã khiến cả thế giới thức tỉnh trước hậu quả khủng khiếp của cuộc khủng hoảng di cư bắt nguồn từ nội chiến Syria.
Khalid Albaih, một nghệ sĩ người Sudan sống tại Doha, Qatar, đã vẽ lại hai hình ảnh biểu tượng Alan Kurdi và Omran Daqneesh trong một bức tranh để cho thấy hoàn cảnh cùng cực mà người dân Syria đang đối mặt.
"Bức vẽ miêu tả hai cảnh tượng ở hai thời điểm khác nhau nhưng cùng nói về một cuộc chiến cũng như nỗi khổ sở mà dân chúng Syria và những người tị nạn chiến tranh phải chịu trên toàn thế giới", Albaih nói với CNN.
Khi được hỏi về việc ông lấy cảm hứng từ đâu để vẽ nên bức tranh, Albaih cho biết: "Tôi tự xem mình như một người tị nạn. Những đứa con của tôi gần bằng tuổi với Alan Kurdi hay Omran Daqneesh và chúng cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự".
Ông Jan Eliasson, phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc, hy vọng câu chuyện của Daqneesh sẽ làm lay động trái tim, khối óc của tất cả mọi người.
"Tôi cho rằng đây chính là hình ảnh minh họa rõ nét nhất cho thảm kịch khủng khiếp mà người dân Syria đang phải trải qua. Chúng ta nói về chuyện này khá nhiều và nó nghe cứ như một cơn ác mộng. Song nó còn tồi tệ hơn cả ác mộng. Người ta có thể tỉnh dậy sau cơn mê nhưng ở Syria, con người thức dậy để tiếp tục đối mặt với những cơn ác mộng triền miên".
Xem thêm: Cậu bé Syria bị thương làm dậy sóng mạng xã hội
Vũ HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn