Giữa chiến tranh ác liệt, Khaled Omar Harrah cùng đồng đội ra sức cứu người
Giây phút xúc động
Theo PRI, Khaled Omar Harrah đã thiệt mạng khi đang cùng đồng đội giúp những người dân bị mắc kẹt trong đống đổ nát ở khu Ramosa của Aleppo hôm 11-8, sau khi khu vực này hứng chịu pháo kích và vũ khí hạng nặng của lực lượng Chính phủ Syria và máy bay của quân đội Nga.
Trước chiến tranh, Harrah là một họa sĩ và nghệ sỹ trang trí. Người đàn ông 31 tuổi này đã trở thành gương mặt nổi bật nhất của Lực lượng Dân phòng Syria, hay còn gọi là đội “Mũ bảo hộ trắng” khi cứu sống một em bé 10 ngày tuổi từ đống đổ nát của một tòa nhà bị sập năm 2014. Những hình ảnh về cuộc giải cứu bất ngờ đó đã lan truyền khắp thế giới như một phép lạ giữa đời thường. Người ta còn ấn tượng mãi cảnh Harrah hối hả gạt các mảnh vụn sang một bên và qua một lỗ nhỏ, anh nhẹ nhàng kéo đứa trẻ ra trong tiếng reo hò của đám đông.
Giây phút xúc động đó xảy ra sau khi hoạt động cứu hộ được triển khai suốt 16 tiếng quanh khu vực. Theo câu chuyện mà Harrah kể lại tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ vào năm 2014, hôm đó, tòa nhà có 3 gia đình sinh sống bị trúng một quả bom. Đội cứu hộ tình nguyện đã cứu được một số người sau nhiều giờ đào bới. Khi họ chuẩn bị rời đi thì một phụ nữ nói rằng 2 đứa con của cô vẫn mất tích, 1 bé gái 1 tuổi rưỡi và 1 bé trai mới 10 ngày tuổi. Bà mẹ không rõ bé sơ sinh được đặt tên là Mahmud bị mắc kẹt ở chỗ nào. “Cô ấy chỉ cho chúng tôi một phần ngôi nhà bị san phẳng. “Con của tôi ở đây!”, cô ấy khóc. Người mẹ chỉ chỗ nào, đội cứu hộ cũng tìm nhưng không thấy”, Harrah nhớ lại.
Khoảng 15h30, tức là 9 tiếng sau vụ đánh bom, Harrah đặt tạm lưng nằm nghỉ, bỗng bất ngờ anh nghe tiếng trẻ con khóc. “Tôi nghĩ chắc là mình bị ảo giác, bởi lúc đó đã quá mệt. Tôi hỏi đồng nghiệp: “Anh thử nghe đi, đặt tai vào đây. Tôi nghĩ tôi nghe thấy tiếng đứa bé”. “Người đồng nghiệp xác định đúng là có” - Harrah kể. Vài tiếng sau, bé Mahmud đã được giải cứu. Theo hãng tin Vocativ, khi Harrah bế, bé Mahmud ngủ thiếp đi trên tay anh một cách ngon lành. “Đứa trẻ này mạnh hơn cả bom đạn, mạnh hơn trần nhà đổ sụp, mạnh hơn tất cả mọi thứ”, Harrah khẳng định.
Cứu người ở nơi sinh tử cận kề
Aleppo, khu vực do lực lượng đối lập ở Syria kiểm soát nhiều tháng nay đã hứng chịu không kích của máy bay chiến đấu Nga và lực lượng quân đội Syria. Theo Newsweek, trong những tuần gần đây, quân đội chính phủ đã chặn hầu hết các tuyến đường ra khỏi thành phố, khiến khoảng 300.000 thường dân bị kẹt lại. Ở khu vực giao tranh ác liệt này, người dân sống trong cảnh bom rơi đạn lạc mỗi ngày và toàn thành phố bị cắt nước vài tháng nay. Trong hoàn cảnh hỗn loạn đó, dịch vụ cấp cứu gần như không tồn tại, nhưng may mắn xuất hiện đội “Mũ bảo hộ trắng”, những người cứu hộ tình nguyện được mô tả là làm “công việc nguy hiểm nhất trên thế giới”.
Theo thống kê của NPR, Khaled Omar Harrah và đồng đội trong lực lượng “Mũ bảo hộ trắng” đã cứu được hơn 40.000 sinh mạng ở Syria trong thời gian qua. Các tình nguyện viên này làm bất cứ điều gì để có thể tiếp cận được nạn nhân, sơ cứu và vận chuyển người bị thương tới bệnh viện. “Một ngày bình thường, các cơ sở y tế của chúng tôi nhận lượng bệnh nhân gồm hàng chục quân nổi dậy và hàng trăm dân thường bị thương”, ông Osama Abo El Ezz, một bác sĩ phẫu thuật của Aleppo cho biết trên tờ Weekend Edition.
Khaled Omar Harrah đã từng đại diện người dân Aleppo đến Mỹ để vận động các thượng nghị sĩ và dân biểu can thiệp và ngăn chặn các vụ đánh bom dân thường ở Syria. Chuyến đi đó, Harrah đã diễn thuyết trước đại diện các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với đoạn video về cảnh tan hoang của thành phố trong bom đạn, cảnh người dân sống trong loạn lạc và cả em bé mới sinh bị vùi trong căn nhà đổ sập vì bom nhưng vẫn sống sót. Người dân Syria này muốn cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn để chấm dứt chiến tranh ở Syria, nhưng mọi hy vọng của Khaled Omar Harrah đến nay chỉ là vô vọng.
Trước cái chết của Harrah, một nhóm vận động mang tên Chiến dịch vận động cho Syria viết trên Facebook tôn vinh anh: “Trong nhiều năm, anh ấy đã lao vào nguy hiểm, hiện ra giữa đám khói bụi với người sống trên tay hoặc trên vai. Anh đã hy sinh khi làm điều mà anh vẫn làm, đó là cứu những người khác”. Đến ngày 11-8, Harah là thành viên thứ 132 của đội “Mũ bảo hộ trắng” hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, anh ra đi để lại vợ và và hai cô con gái.
Theo Yến Chi (tổng hợp)
An ninh thủ đô
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn