Libya đề nghị Nga cung cấp vũ khí
Sau khi đã cung cấp vũ khí cho hàng loạt các quốc gia đang đắm chìm trong nạn khủng bố là Iraq, Syria, Pakistan, Afghanistan, Lebanon… mới đây chính quyền Libya cũng đã đề nghị Nga cung cấp trang, thiết bị quân sự cho cuộc chiến chống khủng bố ở nước này.
Ngày 28/9, truyền thông Libya cho biết, Tướng chỉ huy quân đội nước này là ông Khalifa Haftar đã gửi thông điệp tới Moscow, yêu cầu chính quyền của ông Putin bắt đầu cung cấp các loại vũ khí và trang thiết bị cho quốc gia Bắc Phi này để chống khủng bố.
Tờ Izvestia trích dẫn một nguồn tin thân cận với giới ngoại giao Nga cho biết, thông điệp của Tướng Khalifa Haftar đã được chuyển đến phía Nga thông qua đặc phái viên của ông là Đại sứ Libya ở Ả Rập Saudi, Abdel Basset al-Badri.
Tờ báo Nga cho biết, nhiều nguồn tin cho biết cuộc gặp này đã diễn ra. Đại diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin chuyên trách về vấn đề Trung Đông là Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov đã tiếp đón vị Đại sứ Libya vào đêm ngày 27/9 tại Moscow.
Đại sứ Al-Badri đã đến Moscow một ngày. Trong quá trình đàm phán với Thứ trưởng Bogdanov, ông đã thảo luận việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và khởi đầu quá trình cung cấp vũ khí. Libya yêu cầu chuyển đến cho họ không chỉ vũ khí nhẹ, mà cả thiết bị kỹ thuật, bao gồm cả máy bay.
Tờ báo Nga dẫn lời nguồn tin cho biết, lệnh cấm cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến ở Libya đã được thực thi vào năm 2011, trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc nổi dậy chống cố lãnh đạo của nước này là ông Muammar Gaddafi (sau đó đã bị giết chết).
Mới cách đây hơn 2 tháng, chính quyền Lebanon - một đồng minh thân cận của chính quyền Syria, cũng đã gửi tới Nga lời đề nghị hợp tác kỹ thuật quân sự và cung cấp vũ khí để phục vụ cuộc chiến chống 2 tổ chức khủng bố al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Trung Đông.
Lebanon hợp tác quân sự với Nga chống khủng bố Lebanon
Trong cuộc đàm phán với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) là ông Konstantin Kosachev vào ngày 22/6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Lebanon Ali Khalil đã trình bày mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Moscow.
Theo giới truyền thông Nga, Lebanon hy vọng rằng, Moscow sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự bổ sung cho lực lượng vũ trang của nước này để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, vì thế họ rất cần sự hỗ trợ trang, thiết bị quân sự của Nga.
"Hiện nay, các lực lượng vũ trang của chúng tôi chúng tôi đang trực tiếp chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố, cả trên biên giới phía Bắc và phía Đông, đồng thời cũng tham gia hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Syria” - ông Khalil nói.
Theo vị bộ trưởng này, quân đội Lebanon hàng ngày tham gia những cuộc giao tranh và đụng độ khốc liệt với các phần tử vũ trang của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Dzhebhat en-Nusra (chi nhánh Syria của Tổ chức khủng bố al-Qaeda).
Ông cho biết, Beirut làm việc với phía Moscow theo hướng tìm kiếm sự hỗ trợ lâu dài của Nga cho các lực lượng an ninh và quân đội. Theo ông, Lebanon muốn tăng cường sự hợp tác với Nga và hy vọng rằng, Điện Kremlin sẽ hỗ trợ quân sự bổ sung cho lực lượng vũ trang của nước này.
Vị Bộ trưởng tài chính Lebanon nhấn mạnh rằng, Nga đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, nhằm tìm kiếm hòa bình và ổn định cho khu vực Trung Đông và có quan hệ tốt đẹp với đại diện của tất cả các lực lượng chính trị ở nước này.
Hiện nay, lực lượng Hezbollah - đảng chính trị lớn nhất, đồng thời có lực lượng vũ trang mạnh nhất ở Lebanon và cũng là lực lượng vũ trang phi chính phủ chính quy nhất và mạnh nhất Trung Đông đang hỗ trợ rất tích cực cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống khủng bố và các phe nhóm “đối lập ôn hòa” có vũ trang, được Mỹ hậu thuẫn.
Afghanistan, Pakistan tìm kiếm sự giúp đỡ quân sự của Nga
Mới hồi tháng 8 vừa qua, ngoài các gói viện trợ quân sự thông thường, chính quyền Afghanistan đã đề nghị Nga cung cấp “miễn phí” một số vũ khí lớn, trong đó có cả máy bay trực thăng vũ trang, nhằm chống khủng bố Taliban, IS và al-Qaeda đang xâm chiếm hơn nửa đất nước này.
Hôm 9/8, Chính quyền Kabul đã đệ trình yêu cầu với Moscow cung cấp “viện trợ quân sự không hoàn lại” trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban, cùng với nhóm khủng bố al-Qaeda.
Theo tin đưa của báo Izvestia dẫn nguồn trong cơ quan đối ngoại Afghanistan cho biết, chính quyền Kabul một lần nữa nêu đề xuất với Nga về việc chuyển giao miễn phí các máy bay trực thăng tấn công Mi-35 - một phiên bản xuất khẩu của trực thăng tấn công Mi-24 Hind.
Chính quyền Afghanistan nêu đề xuất với Nga trong bối cảnh 2 tổ chức khủng bố IS và Taliban đã bắt tay nhau trong cuộc chiến chống lại lực lượng chính phủ tại một số khu vực ở miền đông. Đồng thời, al-Qaeda cũng đang nỗ lực đánh chiếm các vùng đất của nước này.
Nếu IS và Taliban liên kết nhau sẽ khiến không chỉ Afghanistan lâm vào tình thế nguy hiểm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh toàn bộ khu vực Trung Á. Do đó, Kabul đã đề xuất Moscow cung cấp những loại vũ khí tiên tiến, trên cơ sở hỗ trợ quân sự không hoàn lại.
Điều đáng nói là đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh mới hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ và NATO đã cam kết cung cấp viện trợ quân sự cho các lực lượng vũ trang nước này từ nay đến năm 2020.
Không chỉ Afghanistan mà một quốc gia khác cũng đang gặp nguy về vấn nạn khủng bố là Pakistan cũng đã mua sắm khá nhiều vũ khí Nga, ví dụ như trực thăng vũ trang Mi-35 và trực thăng tấn công thế hệ mới Mi-28 NE, được gọi là "Thợ săn đêm” (Night Hunter) để chống khủng bố.
Các nước nạn nhân khủng bố tìm đến Nga?
Có thể nhận thấy rằng, sau những thành công của lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga trong cuộc chiến chống khủng bố IS và al-Nusra, cùng với việc quân đội Syria và Iraq sử dụng rất hiệu quả vũ khí Nga, các quốc gia khác đang đắm chìm trong nạn khủng bố đã tìm đến với Nga.
Họ tìm đến Nga không phải là do Moscow là nước hào phóng trong viện trợ quân sự không hoàn lại hay vũ khí Nga quá rẻ, mà chủ yếu là do họ thấy Điện Kremlin là một đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố chứ không phải là Washington.
Điều này lí giải là tại sao trong danh sách này có cả những nước đồng minh hay đang nhận được sự viện trợ của Mỹ và NATO như Iraq hay Pakistan hoặc Afghanistan… Mặc dù có thể không dám công khai chỉ trích Mỹ nhưng hẳn là các nước này đều nhận ra, nạn khủng bố hoành hành ở Trung Đông và Bắc Phi hiện nay là do chính bàn tay của Mỹ “gây dựng”.
Theo Thiên Nam
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn