Đó là nhận định của các chuyên gia quốc tế trong một toạ đàm chính sách về Biển Đông gần đây [1] .
Luật pháp quốc tế và ASEAN
Kết quả vụ kiện của Philippines trên Biển Đông đã có tác động lớn đến quá trình chuyển hướng tạo thành sức ép, buộc Trung Quốc phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Những đặc điểm kỹ thuật liên quan đến những thay đổi pháp lý trên thực địa, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vùng chồng lấn và các kịch bản tiếp theo có khả năng diễn ra là kết quả mà vụ kiện đem lại.
Một phần nào đó, sau phán quyết, quan hệ Mỹ - Trung cũng đang thiết lập các trạng thái tương tác mới, thông qua hàng loạt các điều ước song phương quy định cách ứng xử phù hợp giữa các bên trong từng nhóm lĩnh vực cụ thể.
Mỹ - Trung sẽ cạnh tranh dẫn đến đối đầu trực tiếp hoặc gián tiếp, hay sẽ thoả hiệp dựa trên chia phần lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn vẫn là những kịch bản đang cần xác định rõ. Từ đó mới định lượng các yếu tố tích cực hoặc tiêu cực đến những quốc gia liên quan và đề ra chính sách ứng phó phù hợp cho các nước khu vực.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 14/2 (trái) cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International
Vai trò của ASEAN cũng như quan hệ giữa khối này với TQ là một nhân tố quan trọng. ASEAN đang dần trở thành trung tâm của thế giới. Nhiều học giả đánh giá, là một thị trường khổng lồ và quan trọng đối với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản, ASEAN là lý do của cuộc cạnh trạnh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện tại giữa Trung Quốc và một số quốc gia này đang có những mâu thuẫn, nhưng chúng có xu hướng giảm dần chứ không phải tăng thêm. Nếu Biển Đông trở thành một phép tính thường trực trong cách tiếp cận ASEAN của các nước thành viên, chúng ta sẽ thấy một ASEAN hai phiên bản theo quan ngại của nhiều học giả.
Thứ nhất là một ASEAN đồng thuận, với sự tôn trọng và ủng hộ của các cường quốc ngoài khu vực. Phiên bản này sẽ chủ yếu diễn ra trong các lãnh vực kinh tế, và hợp tác về các vấn đề không gai góc.
Ngược lại, với các vấn đề an ninh và có khả năng gây ra nhiều mâu thuẫn, ASEAN có nguy cơ mất đi vai trò của mình như một người “cầm lái” hay một tổ chức điều phối các vấn đề an ninh chiến lược của khu vực.
Nguy hiểm xu hướng quân sự hóa
“Rõ ràng các hoạt động của Trung Quốc có dẫn đến xu hướng gia tăng quân sự hóa của các nước khác, bởi nếu họ không theo đuổi chính sách đó, Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn”. Đó là quan điểm của TS. Collin Koh Swee Lean, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học Nanyang, Singapore, đối với xu hướng quân sự hóa tại Biển Đông.
Khi các chuyên gia đặt ra hai giả thuyết về kết quả của phán quyết Tòa Trọng Tài, quan ngại căng thẳng khu vực leo thang hay sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các nước liên quan, GS. Edward Miller, Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ đặt vấn đề về lý do các nước trong khu vực đều thực hiện quân sự hóa. Ông cũng đặt nghi vấn về việc lắp đặt các hệ thống giám sát trên biển có phải là một hành động tự vệ gây tranh cãi và phán quyết cua Tòa tạo ra những quyền pháp lý nào để các nước phản đối hành động của Trung Quốc.
Trả lời các vấn đề trên, ông Collin nhận định, các thỏa thuận hay hiệp ước đều chỉ mang tính bảo đảm để các xung đột không leo thang thành chiến tranh. Trong tình hình hiện tại, không chỉ Trung Quốc, các nước đều đã thiết lập một hệ thống giám sát trên biển để nghe ngóng hành tung từ đối phương, bảo vệ lợi ích cho mình. Thêm vào đó, sự căng thẳng trong khu vực tăng cao là do Biển Đông là một “điểm nóng” mà Trung Quốc dường như đang tìm cách kiểm soát.
Về những tranh cãi xung quanh hệ thống giám sát trên biển, ông Collin cho rằng bất cứ hành động nào diễn ra trên biển vào thời điểm này cũng sẽ gây tranh cãi.
“Những hành động trang bị quân sự của Trung Quốc và các nước liên quan bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, tương tự những gì đã xảy ra trong chiến tranh lạnh... Đây là vấn đề sẽ làm tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng” - TS. Collin nhấn mạnh.
TS. Collin Koh Swee Lean:
Trong những năm gần đây, Trung Quốc có đẩy mạnh quân sự hóa, và các nước khác trong khu vực cũng vậy. Nhưng các nước này nhận biết rằng việc theo kịp tốc độ quân sự hóa của Trung Quốc là không thể. Vì thế, họ có những chính sách quân sự hóa riêng, đủ để đảm bảo sức mạnh và vị thế của mình.
Rõ ràng là các hoạt động của Trung Quốc có dẫn đến xu hướng gia tăng quân sự hóa của các nước khác, bởinếu họ không theo đuổi chính sách đó, Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn. Thứ hai, trong khi Trung Quốc buộc tộivà chỉ trích các nước láng giềng, thì chính họ mới là những người thúc đẩy xu hướng quân sự hóa trước. Những chỉ trích của họ nghiêng về chủ quan hơn là dựa vào số liệu thật.
Theo Minh Vy
Vietnamnet
------
[1] Tọa đàm khoa học “Hai tháng sau phán quyết của Tòa Trọng Tài: Thảo luận một số vấn đề chính sách” diễn ra tại Đại học KHXH&NV – TP.HCM Minh ngày 22/9.
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn