Điều ngạc nhiên là trong báo cáo này, FBI và CIA đã gián tiếp cáo buộc Hoàng tử Arab Saudi Bandar bin Sultan tài trợ cho những kẻ không tặc và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Từ cáo buộc khủng bố
Theo tin từ hãng CNN, Arab Saudi đang dọa bán tài sản trị giá 750 tỷ USD tại Mỹ nếu Washington thông qua đạo luật cho phép nạn nhân vụ khủng bố 11-9-2001 kiện chính phủ nước ngoài.
Sức ép này đối với Mỹ càng lớn bởi lẽ giới chức Arab Saudi còn đang rất lo ngại trước thông tin về việc CIA và FBI công bố một báo cáo dài 28 trang về vụ 11-9-2001, trong đó có những chi tiết cho thấy có mối liên hệ giữa Hoàng tử nước này là Bandar bin Sultan có liên hệ với các thành viên cấp cao của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và cả những kẻ không tặc?
Hơn nữa, các kết quả điều tra trước đó đều khẳng định, 15 trong số 19 tên không tặc tham gia vụ khủng bố 11-9-2001 đều mang quốc tịch Arab Saudi. Tên không tặc thứ 20 là Zacarias Moussaoui đã bị kết án tù chung thân hồi năm 2006 và đang thụ án ở nhà tù tại bang Colorado.
Trong một bức thư gửi thẩm phán tòa án liên bang Mỹ tại New York hồi tháng 2 vừa qua, Zacarias Moussaoui đã tiết lộ rằng một thành viên trong Hoàng gia Arab Saudi đã tiếp tay cho mạng lưới khủng bố Al-Qaeda vào những năm 1990.
Người đó, như Zacarias Moussaoui tiết lộ là Hoàng tử Bandar bin Sultan, Đại sứ của Arab Saudi tại Mỹ và Hoàng tử Al-Waleed Bin Talal. Zacarias Moussaoui thừa nhận rằng hắn từng được giao nhiệm vụ thành lập cơ sở dữ liệu của những người tài trợ cho mạng lưới khủng bố Al-Qaeda nên khá chắc chắn về những khoản tiền mà Hoàng tử Arab Saudi Bandar bin Sultan đã chuyển cho tổ chức này.
Thậm chí, Hoàng tử Arab Saudi Bandar bin Sultan còn giới thiệu hắn gặp một nhân viên Đại sứ quán Arab Saudi tại Mỹ để bàn về kế hoạch sử dụng tên lửa Stinger để bắn hạ chiếc Không lực 1 chở Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Đại sứ quán Arab Saudi đã bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng tên Zacarias Moussaoui là một kẻ loạn trí.
Nay trong tài liệu mới được hé lộ của CIA và FBI, Hoàng tử Arab Saudi Bandar bin Sultan bị cáo buộc có mối quan hệ mật thiết với Osama Bassman, một thành viên cấp cao của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, kẻ được coi là nắm vai trò chỉ huy đối với những kẻ không tặc trong vụ 11-9-2001.
Báo cáo có đoạn viết rằng "Osama Bassman và vợ đã nhận được sự hỗ trợ tài chính trực tiếp từ Đại sứ Arab Saudi ở Mỹ (là Hoàng tử Bandar bin Sultan) và phu nhân". FBI sau đó cũng đã tìm thấy số tiền 15.000 USD mà Hoàng tử Bandar bin Sultan đã chuyển cho Osama Bassman vào ngày 14-5-1998.
Bên cạnh đó, FBI cũng khẳng định, Osama Bassman đã liên hệ với hai kẻ không tặc của vụ 11-9-2001 là Khalid al -Mihdhar và Nawaf al-Hazmin cùng một kẻ ủng hộ khủng bố tên là Omar al-Bayoumi khi bọn chúng tới San Diego hồi tháng 2-2000. Từ tháng 3-2000, những tên này đã nhận được khoản lương cố định từ một công ty có liên hệ với trùm khủng bố Osama Bin Laden và mạng lưới Al-Qaeda.
Chưa hết, số điện thoại của một công ty ở bang Colorado (Mỹ) có liên hệ tới Bandar bin Sultan, cùng với đó là số của một nhân viên bảo vệ làm việc tại Đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington, đều nằm trong nhật ký điện thoại của một thành viên Al-Qaeda cấp cao, được xác định là Abu Zubaydah.
Một điểm đáng chú ý là vợ Hoàng tử Bandar bin Sultan cũng từng có thời gian chuyển tiền cho vợ của tên Osama Bassman. FBI đã thu giữ được 31 chi phiếu với tổng trị giá khoảng 74.000 USD được thực hiện từ ngày 22-2-1999 đến ngày 30-5-2002.
Vợ của Hoàng tử Bandar bin Sultan còn có lần đã chuyển khoảng 2.000 USD cho vợ của tên Osama Bassman vào năm 1999 nói là để trả công phục vụ trong gia đình nhưng trên thực tế, vợ của tên này không hề làm gì. Một báo cáo khác của FBI còn chỉ rõ, tháng 10-1991, Osama Bassman còn tổ chức một bữa tiệc cho một kẻ tên là Blin Shaykh tại nhà riêng ở thủ đô Washington và mời cả vợ chồng Hoàng tử Bandar bin Sultan.
Blin Shaykh hiện đã bị kết án tù chung thân vì liên quan đến một âm mưu tấn công khủng bố. CIA thì phát hiện ra rằng, ngoài mối quan hệ với vợ của Osama Bassman, vợ của Hoàng tử Bandar bin Sultan còn có mối quan hệ với vợ của tên Abu Zubaydah. Vợ của Abu Zubaydah còn mua hộ vợ của Hoàng tử Bandar bin Sultan 3 chiếc vòng cổ đẹp bằng tài khoản cá nhân nhưng sau đó, chưa bao giờ vợ của Hoàng tử Bandar bin Sultan trả bà này số tiền nói trên.
Tháng 10-2002, một trợ lý của Giám đốc FBI thời đó còn tiết lộ đã có cuộc nói chuyện và kiểm tra hoạt động tài chính của vợ Hoàng tử Bandar bin Sultan. Bà này cho tiền rất nhiều tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trong số các tổ chức được bà tài trợ có ít nhất 20 tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Đến những hoạt động phạm pháp
Hoàng tử Arab Saudi Bandar bin Sultan từng là Đại sứ Arab Saudi ở Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến 2005 rồi trở thành Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (GID) của Arab Saudi cho đến năm 2015. Ngoài những nghi ngờ liên quan đến khủng bố, Hoàng tử Bandar bin Sultan còn bị Cơ quan tình báo Anh MI-5 chú ý vì được cho là liên quan đến bê bối trong hợp đồng mua bán vũ khí trị giá gần 50 tỷ USD thời còn làm Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia.
Các điều khoản trong hợp đồng ký này cho thấy, Anh sẽ cung cấp cho Arab Saudi 72 chiếc máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon (loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5) và 30 máy bay Hawk trong thời hạn 20 năm.
Tuy nhiên, đến tháng 12-2006, báo chí Anh đã phanh phui ra nhiều bí mật cho thấy, để ký kết hợp đồng này, hãng BAE Systems (đơn vị triển khai hợp đồng) đã triển khai một chiến dịch vận động hành lang và hối lộ rất nhiều thành viên cấp cao của Chính phủ Arab Saudi, đặc biệt là Hoàng tử Bandar bin Sultan. Ông này bị tố cáo đã nhận số tiền hoa hồng 1 tỷ USD thông qua một ngân hàng của Mỹ có trụ sở tại Washington D.C. Để tránh bị nghi ngờ, số tiền này được chia làm 3 lần chuyển, mỗi lần 1/3 và cứ 3 năm một lần thì thực hiện để sau đó 10 năm thì hai bên hoàn tất hợp đồng này.
Bên cạnh đó, Hoàng tử Bandar bin Sultan còn nhận một máy bay Airbus 340 trị giá 80 triệu USD do BAE Systems biếu nhân dịp sinh nhật; được giới thiệu mua một trang trại đẹp rộng tới hơn 2.000 ha ở Glympton, Oxfordshire. Con gái của Hoàng tử cũng được BAE Systems chi 300.000 USD cho chuyến đi hưởng tuần trăng mật tới Singapore, Malaysia, Bali, Australia và Hawaii.
Sau cuộc điều tra này, quan hệ Anh và Arab Saudi còn đứng trước nguy cơ rạn nứt sau khi tòa án tối cao Anh ra lệnh yêu cầu Hoàng tử Mohammed bin Nawaf, cháu của vua Abdullah đồng thời là Đại sứ Arab Saudi phải trả lại số tiền trong danh sách các món đồ đặt tiền mà ông đã đặt mua với tổng trị giá là 6,3 triệu USD. Những món đồ này được Hoàng tử Mohammed bin Nawaf ủy quyền cho trợ lý Walid El Hage mua trong thời gian từ năm 2004 đến 2005 khi còn là Đại sứ Arab Saudi tại Italia.
Nhưng sau khi các món đồ này được mua về, Hoàng tử đã không trả tiền cho Walid El Hage. Thậm chí, Hoàng tử Mohammed bin Nawaf còn quên không chi trả các hóa đơn từ ngày 10-1-2004 tới ngày 21-7-2005, trong đó có cả vé máy bay; hóa đơn khách sạn; hóa đơn thanh toán tiền mua hàng chục đồng hồ hiệu Cartier, Patek Philippe và Jaeger Le Coultres; hóa đơn mua chiếc BMW, trang sức các loại; hai đầu máy karaoke...
Nhưng những bê bối liên quan đến các thành viên trong Hoàng gia Arab Saudi chưa dừng lại ở đó. Tại Pháp, hồi năm 2007, tòa án Pháp đã kết án 10 năm tù giam đối với Hoàng tử Arab Saudi Nayef bin Sultan bin Fawwaz al-Shaalan. Mặc dù không có mặt tại phiên tòa vì đang sống ở Arab Saudi nhưng Hoàng tử Nayef bin Sultan bin Fawwaz al-Shaalan vẫn phải nộp phạt 100 triệu USD vì có liên quan đến vụ vận chuyển lậu 2 tấn cocaine từ Colombia tới một sân bay ở ngoại ô Paris trên chiếc máy bay 727 của Hoàng gia năm 1999.
Trước đó, Mỹ cũng từng nghi ngờ Hoàng tử này dính đến bọn buôn lậu ma tuý và tuyên phạt 2 thành viên của Hoàng gia tổng cộng 24 năm tù giam và nộp phạt 25.000 USD năm 2005. Hai năm sau, hải quan ở sân bay Rafic Haririr ở thủ đô Beirut của Lebanon đã phát hiện hơn 2 tấn ma túy được giấu trong máy bay riêng của Hoàng tử Abdel Mohsen Bin Walid Bin Abdulaziz khi chiếc máy bay đang chuẩn bị cất cánh để thực hiện hành trình tới Arab Saudi.
Số ma túy này được đóng gói trong 32 thùng giấy và 8 vali, được đề tên ở ngoài là thuốc Captagon (dùng để điều trị các triệu chứng tăng động, trầm cảm). Tuy nhiên, thực chất số thuốc Captagon này lại là loại ma túy chứa các chất amphetamine và caffeine được tiêu thụ rộng rãi ở Trung Đông.
Theo Ngọc Khuê (tổng hợp)
An ninh thế giới
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn