Phó thủ tướng: "Tổng thống mới của Mỹ sẽ không thay đổi hợp tác với Việt Nam"

Thứ sáu - 19/08/2016 00:53

Phó thủ tướng: "Tổng thống mới của Mỹ sẽ không thay đổi hợp tác với Việt Nam"

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ cái nhìn lạc quan về quan hệ Việt - Mỹ trước những dự báo khác nhau về tân tổng thống Mỹ.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh: Giang Huy

Ông Phạm Bình Minh sáng nay trao đổi với một nhóm báo chí trước Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tại Hà Nội.

- Việc Mỹ sắp có tân tổng thống tác động thế nào đến quan hệ với Việt Nam?

- Sự thay đổi về đảng cầm quyền của một nước có thể tác động đến quan hệ đối ngoại với nước khác, nhưng về cơ bản thì không nhiều nếu như hai bên đã có một khuôn khổ quan hệ. Hiện Việt Nam và Mỹ đang duy trì quan hệ Đối tác toàn diện được thiết lập từ 2013. Từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt - Mỹ vẫn duy trì chiều hướng phát triển dù đảng Dân chủ hay Cộng hòa cầm quyền. Tổng thống từ mỗi đảng đều từng đến thăm Việt Nam và ngược lại các lãnh đạo Việt Nam cũng đến thăm Mỹ. Có thể nói khi hai bên đã thiết lập khuôn khổ thì không đảng nào thay đổi quan hệ.

Tuy chúng ta không thể nói trước đại diện của đảng nào sẽ chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng tôi tin rằng dù ai trở thành tân tổng thống, họ cũng sẽ hỗ trợ phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.  

- Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của Mỹ trước vấn đề an ninh Biển Đông và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi họ có tổng thống mới?

- Tôi cho rằng vấn đề ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước. Dù tân tổng thống Mỹ có thuộc đảng nào thì đây vẫn là vấn đề an toàn, an ninh hàng hải của Mỹ và của cả các nước khác. Việc bảo đảm hòa bình ở đây là trách nhiệm của các nước cùng có lợi ích. 

Đối với TPP cũng vậy, hiệp định này được xây dựng trên cơ sở thảo luận của 12 nước, không phải riêng nước nào. Khi các nước có lợi ích thì sẽ cùng theo đuổi điều đó.

- Việt Nam cần làm gì trong mối quan hệ với các cường quốc Mỹ và Trung Quốc khi căng thẳng ở Biển Đông gia tăng?

- Thời gian qua nổi lên một vấn đề là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra hết sức phức tạp và gay gắt ở nhiều nơi trên thế giới. Điều đó dẫn tới tình trạng tập hợp lực lượng, nếu như một nước nhỏ hơn không đảm bảo được vai trò độc lập, tự chủ của mình thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí các nước ở nơi có cạnh tranh chiến lược mà xử lý không tốt quan hệ giữa các nước lớn thì có thể dẫn tới đối đầu, hoặc xảy ra chiến tranh khu vực. 

Với Việt Nam, chúng ta đã thực hiện đường lối độc lập tự chủ của mình, không bị bất cứ bên nào lôi kéo. Việc bảo vệ chủ quyền là do chúng ta, trên cơ sở tranh thủ được sự ủng hộ tối đa của các nước, không nước nào có thể đứng ra đảm bảo chủ quyền của Việt Nam được.

- Gần đây Campuchia và Lào thể hiện quan điểm khác biệt với các nước ASEAN về phán quyết của Tòa trọng tài với vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó ảnh hưởng đến đoàn kết ASEAN thế nào?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng từ trước đến nay mỗi khi có diễn biến mới thì các lãnh đạo của ASEAN đều thảo luận trong các cuộc họp của mình, dù mức độ và hình thức có thể khác nhau. 

Trong cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN vừa qua tại Lào, các nước thành viên đã thảo luận vấn đề này vì có một nước liên quan đến vụ kiện. Từ đó dẫn tới một điểm mới trong tuyên bố chung của Hiệp hội, đó là các nước nhấn mạnh các tiến trình ngoại giao và pháp lý trong giải quyết tranh chấp, trong số các biện pháp hòa bình. Thực tế ASEAN đã ra được Tuyên bố chung, điều mà tưởng chừng có lúc dư luận cho là không có. 

Đến nay chưa có tổ chức khu vực nào trên thế giới có các cơ chế mà các nước lớn đều tham gia như ASEAN (Cấp cao Đông Á EAS, Diễn đàn an ninh khu vực ARF). Đó là nhờ Hiệp hội giữ được vai trò trung tâm của mình, dựa trên cơ sở đoàn kết. Do đó mỗi nước thành viên cần quan tâm đến vấn đề này để điều chỉnh.

Các quyết định của ASEAN được đưa ra dựa trên cơ sở đồng thuận, mục tiêu là các nước cùng nhau đạt được lợi ích tối thiểu, các nước phải tôn trọng lợi ích của nhau. Nếu nước nào cũng muốn lợi ích tối đa thì sẽ không có sự thống nhất. 

- Theo ông phán quyết của Tòa trọng tài sẽ tác động thế nào đến tình hình Biển Đông?

- Có thể coi đây là một điều kiện mới để các nước liên quan đến tranh chấp tìm các biện pháp giải quyết bất đồng. Quan điểm chung của các nước là không làm tình hình căng thẳng thêm, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Về phía Việt Nam, do phán quyết có nhiều yếu tố pháp lý liên quan đến lợi ích, chúng ta cần nghiên cứu để đưa ra quan điểm nhằm bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). 

Xem thêm:  Bà Clinton sẽ rắn hơn Obama trong chính sách Biển Đông  

Việt Anh

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây