Liệu Trung Quốc có thuyết phục được Ấn Độ "im lặng" về vấn đề Biển Đông?

Thứ sáu - 19/08/2016 08:42

Liệu Trung Quốc có thuyết phục được Ấn Độ "im lặng" về vấn đề Biển Đông?

Sau chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây, đã có những thông tin cho rằng Bắc Kinh đang muốn có cam kết từ phía New Delhi về việc không đề cập vấn đề Biển Đông tại hội nghị nhóm G-20 sắp tới tại thành phố Hàng Châu. Tuy nhiên, nhiều khả năng mong muốn của Trung Quốc sẽ không nhận được sự ủng hộ từ Ấn Độ.

Ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ trong một cuộc gặp. (Ảnh: AFP)

Chuyến thăm đón đầu G-20

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 sắp diễn ra ở Trung Quốc là cơ hội để Bắc Kinh thể hiện "những quan điểm tốt đẹp" với tư cách nước chủ nhà. Để chuẩn bị cho hội nghị sắp tới, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tới thăm Ấn Độ cuối tuần qua và có các cuộc hội đàm chiến lược với giới chức cấp cao nước này. Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được sự đồng thuận quan trọng mà hai nước sẽ ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau trong quá trình Bắc Kinh đăng cai tổ chức hội nghị G-20 tại thành phố Hàng Châu và New Delhi tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS tại thành phố Goa.

Như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc mong muốn thể hiện hình ảnh của "một cường quốc có trách nhiệm" thông qua các diễn đàn quốc tế. Trong nhiều tổ chức quốc tế hiện nay, G-20 và BRICS có ý nghĩa đặc biệt dựa trên vai trò của những tổ chức này trong quá trình xây dựng trật tự thế giới đa cực mà trong đó các quốc gia đang phát triển có tiếng nói lớn hơn. Kết thúc hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Brisbane (Australia) năm 2014, Trung Quốc đã được trao cơ hội tổ chức G-20 năm nay. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm Chủ tịch Hội nghị G-20, vốn được đánh giá là "diễn đàn hàng đầu cho hợp tác kinh tế quốc tế".

Mặt khác, đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (COC), việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh của G-20 sẽ là cơ hội giá trị để tăng cường "hình ảnh" trong nước sau những khó khăn thời gian qua như tốc độ tăng trưởng GDP giảm, khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội bị kéo rộng và sức ép từ dư luận về quá trình cải cách chính trị. Bên cạnh đó, hội nghị của G-20 cũng là diễn đàn quan trọng để Trung Quốc thu hút sự chú ý của dư luận thế giới và là cơ hội để Bắc Kinh quảng bá hình ảnh "cường quốc có trách nhiệm" với toàn thế giới. Thông qua việc tích cực tham gia các diễn đàn mới được thành lập như G-20 hay BRICS, Trung Quốc vừa đang tìm kiếm sự thay đổi trong mô hình quản trị kinh tế toàn cầu "truyền thống", tập trung vào Hệ thống Bretoon Woods, và cũng vừa thử nghiệm quy trình mới như diễn đàn BRICS hay Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Dựa trên mức độ quan trọng của hội nghị G-20, Trung Quốc đã triển khai toàn lực cho công tác chuẩn bị. Từ góc độ trong nước, Trung Quốc đã chi gần 100 tỷ USD cho việc sửa chữa sân vận động, chuẩn bị cho các hoạt động tiếp đón doanh nhân quốc tế, tăng cường an ninh và cải tạo đô thị. Còn từ góc độ quốc tế, Trung Quốc sẽ phải giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhân cơ hội tổ chức Hội nghị G-20 để tránh "những chỉ trích" từ các thành viên khác của nhóm này, vốn đe dọa tới hình ảnh của Bắc Kinh cả ở trong và ngoài nước.

Ấn Độ sẽ không im lặng

Thời gian qua, Trung Quốc không chỉ coi Ấn Độ là đối thủ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế mà còn cả những vấn đề về chính trị và kinh tế. Vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay giữa hai nước tại hội nghị của nhóm G-20 sắp tới sẽ là vấn đề Biển Đông. Lâu nay, Ấn Độ luôn nhấn mạnh ủng hộ nguyên tắc "tự do hàng hải và thương mại" tại Biển Đông và New Delhi tuyên bố chia sẻ quan điểm với Mỹ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng coi các nước Đông Nam Á như Philippines là đồng minh quan trọng nhằm đối phó trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng một vài quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có thể tìm cách đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự ở hội nghị của G-20 để làm "mất mặt" Bắc Kinh, đặc biệt là sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết bác "đường 9 đoạn" của nước này hồi tháng trước. Để đề phòng khả năng này, Trung Quốc cần có cam kết từ phía Ấn Độ về việc không đề cập tới vấn đề Biển Đông ở hội nghị sắp tới. Cụ thể, Trung Quốc đã thực hiện chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" với Ấn Độ.

Đánh giá về tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị sau chuyến thăm Ấn Độ có thể thấy rõ việc Bắc Kinh lồng ghép sự kiện hội nghị G-20 sắp tới tại Hàng Châu với sự kiện New Delhi tổ chức hội nghị của BRCIS ở Goa. Rõ ràng đây là một thông điệp của Trung Quốc về khả năng nếu Ấn Độ đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại hội nghị G-20, Bắc Kinh sẽ "đáp trả" thích đáng tại hội nghị BRICS ở Goa. Đấy là phần của "cây gậy", còn về phần của "cù cà rốt", Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG) đổi lại lời cam kết của New Delhi về việc không nhắc tới vấn đề Biển Đông ở hội nghị G-20.

Tuy nhiên, có vẻ như chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" của Trung Quốc có thể không thành công với Ấn Độ. Dù Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhắc tới cụm từ "để mắt tới nhau" song Trung Quốc không thể chấp nhận rủi ro từ việc tác động tới hội nghị của BRICS, diễn đàn mà Bắc Kinh đánh giá có vai trò quan trọng trong việc tăng cường "hình ảnh quốc tế tích cực" của nước này trên thế giới. Thực tế, Trung Quốc thiếu những phương pháp hiệu quả để "nắm thóp" các lợi ích quan trọng của Ấn Độ. Dù New Delhi vẫn cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong quá trình giải quyết rắc rối ở khu vực Kashmir với Pakistan song Trung Quốc lại cần nhiều hơn sự hợp tác từ Ấn Độ trong lĩnh vực chống khủng bố ở các khu vực như Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương.

Mặt khác, "củ cà rốt" của Trung Quốc dường như không thu hút được sự chú ý của Ấn Độ. Gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân là kế hoạch quan trọng trong quá trình phát triển trở thành cường quốc của Ấn Độ song nếu dựa vào giới hạn ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều khả năng giới lãnh đạo Ấn Độ sẽ thảo luận về vấn đề ở vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền này một khi Mỹ hoặc các nước khác đề cập tới. Với Ấn Độ, vấn đề Biển Đông là cơ hội quan trọng để tập hợp một liên minh trong khu vực nhằm chống lại quá trình bành trướng của Trung Quốc dưới chính sách "Một vành đai, Một con đường". Trong khi đó, nhận thức ngày càng rõ của Ấn Độ về mối đe dọa từ Trung Quốc đang thôi thúc New Delhi tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ và các nước khác trong khu vực như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Là một chủ đề nóng trong thời gian qua tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề Biển Đông nhiều khả năng sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị G-20 sắp tới. Dù Trung Quốc đã tìm cách "mua" sự im lặng của Ấn Độ trong vấn đề này bằng chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" nhân chuyến thăm mới đây của Ngoại trưởng Vương Nghị song với những diễn biến thời gian qua, New Delhi đã cho thấy họ sẽ không "im lặng" như cách mà Bắc Kinh mong muốn.

Ngọc Anh

Theo Diplomat

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây