Thời điểm 9h sáng ngày 8/12, giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức: 36,03 - 36,43 triệu/lượng (MV-BR), tăng 30.000đ/lượng so với ngày hôm trước.
Dạo qua một số điểm kinh doanh vàng trên thị trường Hà Nội như phố Trần Nhân Tông, Xã Đàn, Cầu Giấy, tuyệt nhiên không có cảnh mua bán đông đúc. Tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Cầu Giấy, chị Nguyệt Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) một khách hàng cho biết: Do nhu cầu trả nợ cuối năm nên chị phải mua vàng chứ không hề mua để tích trữ theo tin đồn.
Dù nhu cầu không lớn nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng
Trước diễn biến giá vàng thế giới chỉ xoay quanh mức: 1.176 ounce/USD (tương đương 32,166 triệu đồng/lượng) và sức mua không căng thẳng, đã có ý nghi ngờ có hay không sự “bắt tay” làm giá của một số doanh nghiệp? Phân tích diễn biến này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc đặt giá vàng trong nước hiện do một số ngân hàng , công ty lớn thực hiện. Sở dĩ giá vàng vẫn neo ở mức cao bởi giá USD ngoài thị trường cao hơn ngân hàng công bố (chênh lệch 400 đồng/USD).
“Người dân chủ yếu đi mua vàng miếng thương hiệu SJC. Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý SJC năng lực sản xuất có hạn, kèm thêm việc không có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất thêm nữa. Phải nói rõ giá vàng quốc tế cao hơn giá trong nước ở đây là cao hơn vàng SJC. Ví dụ như trên thị trường quốc tế có thương hiệu vàng miếng ba chìa khóa của Thụy Sĩ, dù vàng nổi tiếng như thế nhưng vẫn thấp hơn giá SJC 3 đến 4 triệu đồng một lượng trong thời điểm hiện nay, đó là một điều vô lý.
“Thông thường, vào thời điểm tháng 12 là lúc cần phải tất toán, đóng sổ kinh doanh của các công ty trên thế giới. Hơn nữa, trước kỳ nghỉ lễ giáng sinh, các quỹ vàng đều có hiện tượng kết sổ. Do đó, giá vàng có khuynh hướng biến động thường là sẽ giảm. Cuối tháng 12, khi FED tăng lãi suất, vàng thế giới sẽ xuống nữa. Do đó, giá vàng trong nước sẽ xuống còn 33 triệu đồng/lượng. Vì vậy, người dân không nên mua tích trữ vàng vào thời điểm này”, ông Trúc khuyên.
Còn ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Cty CP kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam thì khẳng định giá vàng cao do nguồn cung vàng không có. Trong khi đó, giá USD lên cao, người dân có thể lo và muốn mua vàng, ngoại tệ để bảo tồn tài sản cuối năm.
“Dự kiến, tuần tới, FED nâng lãi suất, giá USD sẽ tăng trên toàn thế giới. Khi USD tăng 1 đồng, vàng sẽ tăng 150.00 đồng/lượng. Vì vậy, khi USD tăng, vàng tăng là logic. Ngoài ra, đồng USD trong nước còn có nguồn cung từ kiều hối còn vàng không có nguồn cung”, ông Hải lý giải.
Về việc có hay không việc doanh nghiệp trong nước nhìn giá nhau để niêm yết, ông Hải cho rằng: “Bản thân Cty SJC nâng giá vàng nên các doanh nghiệp khác cũng nâng theo”.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng miền Bắc khác thì chia sẻ, vì công ty cũng chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh vàng bình thường, trong khi vàng là một hàng hóa có giá trị lớn. Giá SJC niêm yết mỗi ngày theo vị này là được tính trên cơ sở quy đổi từ giá thế giới theo giá đô la Mỹ trên thị trường tự do cộng với chi phí gia công. Một phần nữa, giá được quyết định bởi cung cầu thị trường. Nếu có hiện tượng mua gom vàng số lượng lớn tức khắc sẽ dẫn đến việc giá vàng niêm yết có thể đi lên do hiện tượng thiếu hàng tạm thời.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn