Ngày 9-12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016) chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động - Động lực mới cho phát triển”.
Lo trần nợ công
Phân tích về triển vọng kinh tế giai đoạn 2016-2020, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, nhận xét Việt Nam có khát vọng tăng trưởng cao nhưng đang gặp một số rào cản trong và ngoài nước. Trong khi đó, các phương án tăng năng suất lao động như cải cách giáo dục ĐH, cải cách doanh nghiệp nhà nước cùng nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển hơn sẽ cần thời gian để mang lại kết quả…
Về giải pháp cải cách vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng, ông đề nghị hiện đại hóa chính sách tiền tệ như sử dụng chế độ tỉ giá linh hoạt hơn để điều chỉnh các cú sốc bên ngoài, phát triển các công cụ dự phòng rủi ro. Việc thực hiện các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân có thể thích ứng và khả năng xử lý rủi ro tốt hơn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Xem xét việc sử dụng quỹ công hay bán thêm cổ phần nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại, phê chuẩn những thay đổi đã được đề xuất trong hệ thống luật pháp đối với ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) nhằm tạo điều kiện xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu theo chuẩn quốc tế…
Trao đổi về quản lý nợ công bền vững phục vụ tăng trưởng, ông John Panzer, Giám đốc toàn cầu khối quản lý kinh tế vĩ mô và chính sách tài khóa của WB, đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, song đang phải đối mặt với các thách thức mới như tăng trưởng chậm lại, mức tăng năng suất suy giảm. Sự suy giảm tăng trưởng làm thâm hụt lớn, nợ công tăng, gây sức ép đối với tài khóa, tăng rủi ro.
Trao đổi về việc trần nợ công của Việt Nam chiếm 65% GDP, ông Panzer nhận định vấn đề chính là khả năng trả nợ của nền kinh tế. Trong đó, quy tắc chung trên 70% GDP sẽ là quá cao đối với các nước mới nổi và hiếm khi chấp nhận trên 60%. Ông cũng cho rằng quy tắc tài khóa là căn cứ và chỉ dấu về mức độ tín nhiệm quốc gia và con đường phía trước của Việt Nam là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế cùng khả năng ứng phó, trong đó cần tăng cường hiệu quả của chi tiêu công.
Ông Norio Saito, Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đề xuất cần cải thiện quản lý tài sản công. Những nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 30% tổng mức đầu tư công bị lãng phí do đầu tư công kém hiệu quả. Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu năm 2014, việc nâng cấp hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam từ hiện tại lên mức theo thông lệ tốt nhất có thể giúp tiết kiệm thêm 22% mỗi năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển Ảnh: QUANG HIẾU
Nguyên nhân có nhiều nhưng quan trọng là sự phức tạp trong quản lý tài sản công khi trách nhiệm quản lý đang bị phân tán ở hơn 100.000 sở, ban, ngành từ trung ương đến địa phương khiến việc nâng cao trách nhiệm giải trình trở nên khó khăn hơn.
8 định hướng và giải pháp
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016-2020.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu 8 định hướng và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất - kinh doanh. Kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, chuyên nghiệp. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu; giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính; xử lý nghiêm vi phạm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh; có các chính sách, giải pháp đột phá cho phát triển. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là một trọng tâm của năm 2017. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường trong thực hiện kế hoạch 2016-2020.
Nhấn mạnh nợ công ngày càng thách thức chính sách vĩ mô của Việt Nam, Thủ tướng cho biết cùng với việc huy động nguồn lực cho phát triển, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay theo đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn. Sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, chiến lược và chương trình quản lý nợ công trung hạn. Bên cạnh đó, tập trung xử lý nợ xấu
Chính phủ tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, chủ động hội nhập quốc tế và nỗ lực để triển khai hiệu quả 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
ADB muốn mua ngân hàng yếu kém Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị WB, cụ thể là Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), giúp đỡ Việt Nam giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất. Theo Thủ tướng, ADB cùng với một đối tác tư nhân trong nước đang có kế hoạch xử lý, mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại yếu kém. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn