Xây nhà theo dây chuyền
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) cho hay, cách làm nhà giá rẻ của Hòa Bình là sẽ chuyển từ đơn vị xây dựng sang đơn vị sản xuất nhà ở.
Theo ông Hải, kết cấu một căn nhà có nhiều thành phần như: Tường, sàn, vách, cửa, mặt tiền, cầu thang, mái... Những thành phần này đều có thể được sản xuất trên dây chuyền bằng kỹ thuật, công nghệ tối ưu. Việc sản xuất theo dây chuyền ở nhà máy, không chỉ đảm bảo an toàn lao động, chính xác cao mà tiết giảm được nhiều chi phí.
Theo đó, người mua nhà chỉ cần lựa chọn các mẫu mã có sẵn, trên cơ sở đó HBC sẽ lắp ghép xây dựng tại chỗ. “Khách đi mua nhà giống như đi mua ô tô vậy, chọn dòng xe nào là quyền của khách hàng. Sau đó, muốn gắn thêm nội thất gì chúng tôi cung cấp hết. Với cách này, chúng tôi muốn thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về việc mua một ngôi nhà sẽ không tốn nhiều công sức như hiện nay, chỉ giống như đi mua một xe ô tô”, ông Hải nói.
Dự án nhà lắp ghép, nhà giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đẹp, văn minh... được các nhà đầu tư xây dựng hướng tới để phục vụ cho người có thu nhập thấp - Ảnh: Minh Tuấn
Với công nghệ “xây nhà” bằng dây chuyền như trên, theo ông Hải sẽ giảm được khoảng 20% tổng chi phí, cả về thời gian lẫn tiền bạc so với cách thức truyền thống. Theo phân tích của ông, chẳng hạn ván khuôn thông thường chỉ dùng 5 - 7 lần là bỏ đi, còn với nhà ở làm hàng loạt thì khuôn đổ bê tông có thể sử dụng hàng trăm lần. Hay với 1m2 tường hoặc sàn làm như cách thông thường tô trát cũng tốn kém nhiều công sức và vật tư. Nhưng nếu dùng ván khuôn cao cấp như nhôm, thép cũng tạo mặt phẳng mà không cần tô trát sẽ giảm chi phí hoàn thiện. Tính chung lại, chi phí xây dựng mỗi 1m2 có thể giảm khoảng 1 triệu đồng.
Nhà nhà bắt tay giảm giá vật liệu
Bên cạnh những doanh nghiệp có sáng kiến như Hòa Bình, nhiều doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp địa ốc cũng đã lên tiếng chung tay giảm giá thành.
Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam cam kết sẽ giảm giá 300 nghìn đồng/tấn xi măng để giúp doanh nghiệp giảm chi phí khi xây dựng nhà giá rẻ. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Xi măng Hà Tiên cũng cho hay, công ty đã giảm giá ở vùng ĐBSCL, mà cụ thể là tỉnh Kiên Giang để hỗ trợ dự án xây nhà giá rẻ. “Với TP.HCM, chúng tôi cũng có thể bán xi măng giá gốc 900 nghìn đồng/tấn. Nghĩa là giảm 25% so với giá thị trường cho dự án nhà ở xã hội. Nhưng chúng tôi cần cam kết sẽ được thanh toán đúng tiến độ”, ông Anh nói.
"Cũng đừng sử dụng cụm từ nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ bởi điều này gây mặc cảm cho người mua. Tất cả đều là nhà ở thương mại cả. Muốn làm điều này, cần có sự điều tiết của Nhà nước để qui hoạch khu nào phát triển trước, khu nào phát triển sau để hạ tầng đồng bộ. Chứ không thể để tình trạng nhà ở giá rẻ rải rác trên khắp địa bàn thành phố mà lại không có hạ tầng đồng bộ và hoàn thiện”. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) |
Không chỉ xi măng, sắp tới là gạch, đá và sắt thép cũng sẽ giảm giá cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP HCM trả lời báo chí rằng, sẽ vận động một số doanh nghiệp sản xuất thép hỗ trợ giảm giá và kỳ vọng thời gian tới sẽ hình thành danh sách các đơn vị chuyên bán hàng giá rẻ cho nhà ở xã hội. “Hiện nay đã có ba doanh nghiệp xin UBND TP để họ làm nhà ở xã hội giá rẻ không lợi nhuận. Tôi cũng mong, sẽ có nhiều doanh nghiệp khác cùng chung tay. Đây cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội nhưng cũng khẳng định thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp”, ông Khoa nói.
Mặc dù là nhà ở giá rẻ nhưng ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho rằng, TP.HCM rất khó và không nên làm nhà 100 triệu đồng. Nếu TP.HCM làm nhiều căn hộ 20m2 giá 100 triệu đồng như Bình Dương không khéo sẽ thành các khu nhà ổ chuột trong tương lai. Nhưng giá nhà 500 - 600 triệu đồng thì TP.HCM làm được và rất nhiều người mua.
Kết quả khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, nhu cầu mức giá nhà ở xã hội là 350 triệu đồng, 750 triệu đồng, 1 tỷ đồng chiếm tỷ lệ cao. “Nhưng dù nhà giá bao nhiêu thì TP.HCM vẫn phải tuân thủ theo quy hoạch chung. Chúng tôi muốn thay đổi quan niệm về nhà ở giá rẻ, không phải rẻ là xấu mà phải đẹp, hiện đại, văn minh”, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch HĐQT HBC nhấn mạnh, xây nhà xã hội, hay nhà thu nhập thấp cũng phải đẹp, phải ở khu vực cư dân hiện hữu, chứ không ở nơi quá hẻo lánh, xa trung tâm. TP phải có giải pháp tổng thể, có sự tập trung cao hơn, chứ đừng để những dự án nhà ở giá rẻ phát triển manh mún. Ông Hải nhấn mạnh: “Nói chung, phải quy hoạch theo đề án của TP, của quận cũng như bám theo quy hoạch hạ tầng. Nghĩa là phát triển dự án vào lúc nào, thời gian nào triển khai ra sao, phải đồng thời với quy hoạch hạ tầng”.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn