Cụ thể, ông K. bị mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID), ngoài ra có biểu hiện như bị ảo giác.
Theo y văn, người mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể lúc nào cũng khao khát được tàn phế và ý nghĩ ấy luôn chi phối tâm thức của những người mắc chứng bệnh này. Họ luôn có cảm giác một phần cơ thể của họ như tay, chân là thừa. Họ cảm thấy lạ lẫm và ghê tởm với chính một phần cơ thể của mình và thậm chí có thể khoanh đúng ranh giới của phần cơ thể muốn bỏ đi.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an quận Cái Răng, khoảng 17h ngày 10/11, ông P.D.K. (kỹ thuật viên Khoa Đông y tại Bệnh viện Đa khoa Cái Răng) đợi các đồng nghiệp trong khoa về hết rồi chốt cửa phòng lại, dùng dao cắt rời phần chân trái của mình từ đầu gối trở xuống.
Sau khi tháo rời khớp gối, ông K. đã tự cấp cứu cho mình rồi buộc phần chân bị cắt rời trở lại như ban đầu với ý định đi ra ngoài tạo hiện trường giả bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, khi đứng dậy thì phần chân trái bị rớt ra ngoài nên không đi lại được. Tiếp đến ông K. lại dùng dây đai dùng trong ngành y tế buộc đoạn chân của mình trở lại như cũ nhưng vẫn không được.
Thấy không thực hiện được ý định này, ông K. đã mang phần chân trái đã bị cắt lìa giấu vào ngăn tủ nơi đầu giường rồi đi sang phòng bên cạnh, dùng điện thoại bàn nội bộ gọi điện báo tin giả rằng mình nằm ngủ say trong phòng thì bị người khác vào tháo khớp gối mà không hay biết.
Cơ quan công an cho biết, việc ông K. cắt chân là hành động một mình, không nhờ ai giúp đỡ. Việc ông này tháo chân là do bệnh lý, không phải vụ án.
Liên quan đến vụ việc, trưa cùng ngày, bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, sức khỏe của bệnh nhân P.D.K. đã hồi phục, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt; vết thương ở chân đã khô, ổn định, không còn chảy máu hay nhiễm trùng.
Trước đó, khoảng 19h55 ngày 10/11, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân K. trong tình trạng chân trái đứt lìa ngang gối, đã được sơ cứu cầm máu, bệnh nhân tỉnh. Qua thăm khám, ê kíp bác sĩ trực ghi nhận tình trạng chân của bệnh nhân này có khả năng nối lại được nên trao đổi với bệnh nhân và người nhà để nối chân lại nhưng rất lạ là cả bệnh nhân và người nhà đều không chịu cho bác sĩ nối chân lại; người nhà đã ký tên vào bệnh án không nối chân. Sau đó ê kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu vết thương cho bệnh nhân.
Phạm Tâm
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn