BS Trần Kim Hưng và BS Trương Hữu Khanh tại buổi tọa đàm
Là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu của viêm phổi là ho nhiều, ho ra đờm, khó thở, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi, sốt cao, ớn lạnh, vã mồ hôi… khá gần với những triệu chứng cảm cúm thông thường nên dễ gây nhầm lẫn hoặc xem nhẹ, bỏ qua.
Viêm phổi có thể do nhiều loại mầm bệnh khác nhau gây ra, bao gồm vi khuẩn, vi-rút, nấm và ký sinh. Bệnh viêm phổi do vi khuẩn và vi-rút thường lây qua chất dịch phát tán từ mũi hoặc miệng người bệnh. Trong đó, vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) là vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết “Phế cầu là vi khuẩn thường trú trong hầu họng người lớn và trẻ em, lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người. Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu vô cùng nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 10-20% ở trẻ nhỏ.”
Tuy nhiên, điều may mắn là có thể phòng ngừa bằng cách cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu đời, đưa trẻ đi chủng ngừa và tránh cho trẻ hít phải các loại khí không có lợi như khói thuốc lá.
Ngoài ra, để hạn chế biến chứng viêm phổi, cần đưa trẻ đi khám ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu thở nhanh dù không khóc, không bú mẹ. Thông thường, hơi thở của trẻ sẽ nhanh khi trên 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng tuổi; từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ 2-12 tháng tuổi, 40 lần/phút trở lên ở trẻ 12 tháng đến dưới 5 tuổi.
Minh Anh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn