Tại Hội thảo Góp ý Luật Phòng chống Tác hại rượu bia ngày 11/11, BS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra những con số giật mình về tỉ lệ uống rượu bia ở học sinh hiện nay.
Theo bác sĩ Bảo, gần một nửa nam giới trưởng thành của Việt Nam đã uống rượu bia ở mức nguy hại và tỷ lệ này tăng qua các năm, nhất là ở nam giới. Nếu như năm 2010 chỉ có 25,1 % nam giới uống rượu bia ở mức độ có hại thì năm 2015 đã lên đến 44,2%.
Đặc biệt, uống rượu bia ở lứa tuổi vị thành niên gia tăng với tốc độ phi mã. Theo điều tra trên 50 trường của 13 tỉnh/thành phố trên toàn quốc cho thấy, có tới 43.8% học sinh nam trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi uống rượu bia và có tới 37.7% học sinh nữ uống rượu bia.
Từ con số này, ông Bảo cảnh báo, hành vi uống rượu đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên và tuổi uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa.
Đại diện Cục Y tế Dự phòng cho biết, rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của hàng trăm loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh như: Rối loạn tâm thần kinh, động kinh, trầm cảm, lo âu. Giảm khả năng tư duy, học tập ở vị thành niên.
Không những thế, rượu bia còn là là chất gây ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
Từ những hệ lụy từ rượu bia, ông Trần Quốc Bảo cũng đề nghị bổ sung thêm nhiều điểm mới vào Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Chẳng hạn, cấm bán rượu bia cho trẻ ở tuổi vị thành niên hay việc cấm quảng cáo rượu bia ở nơi công cộng...
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế cho biết, với mức tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia và khoảng 68 triệu lít rượu/năm. Thêm một điều lo ngại nữa là ở Việt Nam, tình trạng tiêu thụ rượu bia không chính thống chiếm tỷ lệ cao và gia tăng rất nhanh. Trong đó, tình trạng sử dụng rượu pha cồn công nghiệp khá phổ biến, gây nhiều tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh phân tích, không chỉ lượng tiêu thụ rượu bia ở nước ta cao mà tỷ lệ sử dụng ở mức có hại cũng cao. Hậu quả của lạm dụng rượu bia không chỉ gây loạn thần, rối loạn bào thai, các loại bệnh mãn tính, ung thư mà còn làm gia tăng tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bạo hành.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cảnh báo, mức tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Trong khi Việt Nam có mức thu nhập đứng thứ 8 khu vực Đông Nam Á thì mức tiêu thụ bia lại đứng thứ nhất khu vực.
Nếu uống vượt ngưỡng cho phép tức là người đó đã lạm dụng rượu, bia có thể gây tổn thương não, hệ thần kinh, gan, tim mạch, hạn chế khả năng tư duy. Khi sử dụng rượu bia quá mức sẽ tác động đến hệ thần kinh, làm người sử dụng hạn chế nhận thức, mất khả năng kiểm soát bản thân, dễ có hành vi quá giới hạn, lệch chuẩn.
“Tôi tin rằng, nếu có những quy định nghiêm khắc và tổ chức thực hiện hiệu quả sẽ bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia, góp phần hạn chế lạm dụng rượu bia và bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”, bà Trang cho hay.
Theo bà Trang, với nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày, tương đương là không quá 540ml bia mỗi ngày (không quá hai cốc bia hơi), không quá 2 chén rượu mạnh, và không quá 250ml rượu vang… đối với nam. Còn với nữ giới, không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày.
Theo Diệu Thu
Dân Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn