Theo các bác sĩ (BS) chuyên khoa, hoang tưởng tự cao là dạng hoang tưởng có thể thấy ở nhiều bệnh tâm thần khác nhau, phần lớn là bị rối loạn lưỡng cực (có các pha hưng cảm - trầm cảm thất thường) với tỉ lệ khoảng 2/3. Khoảng 10% người bình thường cũng có các “ý tưởng tự cao”, tuy nhiên đa phần chưa đủ để hình thành hoang tưởng.
Làm khổ nhiều người
Được gọi nôm na là bệnh “vĩ cuồng”, những người mắc dạng hoang tưởng tự cao thường quá tự đề cao bản thân, tưởng mình là thiên tài, vĩ nhân và có nhiều hành động bất lợi cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Hoang tưởng tự cao thường gặp nhiều ở những người thành đạt, có địa vị xã hội, các doanh nhân... có vấn đề về tâm thần. Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, hoang tưởng tự cao sẽ trở nên rất nguy hiểm nếu người mắc bệnh đang giữ vai trò quan trọng trong một cơ quan nhà nước, một doanh nghiệp hay tổ chức nào đó bởi hoang tưởng có thể đưa họ đến những quyết định “điên rồ”, “cười ra nước mắt” và ảnh hưởng đến nhiều người. Trung tâm cũng từng tiếp nhận giám định cho một số người hoang tưởng tự cao có những hành động vi phạm pháp luật.
“Cách đây vài tháng, có một phụ nữ rất thành đạt trong lĩnh vực ngân hàng bị rối loạn cảm xúc có hoang tưởng tự cao. Bình thường, bà vẫn làm việc rất hiệu quả và hầu như không có hành động nào đáng ngại trong giao tiếp. Tuy nhiên, khi “đến cơn”, bà lại đi vay mượn những khoản tiền lớn và mang đi cho nhiều người. Chuyện này chỉ người trong nhà biết nhưng họ không có cách nào ngăn cản” - BS Quang kể.
Một ca điển hình khác khiến vị BS này phải vất vả tìm cách tiếp xúc là một tiến sĩ, trưởng khoa một trường đại học danh tiếng ở TP HCM. Nghiện rượu và làm việc trong tình trạng stress lâu dài, càng ngày ông càng bất thường, hay xen vào việc của người khác ở nơi làm việc, luôn huyên thuyên rằng mình có nhiều sáng kiến có thể “thay đổi nhân loại”. Tính khí ông cũng thất thường, dễ nổi nóng, nghi ngờ cả người nhà của mình. Chịu đựng ông nhiều nhất vẫn là người vợ. Lo cho sức khỏe, sự nghiệp của chồng, bà khuyên ông đi khám thì bị mắng té tát với lý do “không BS nào đủ trình độ khám cho tôi”.
Đừng cố khuyên nhủ
Do người mắc hoang tưởng tự cao vẫn có thể sinh hoạt, làm việc, giao tiếp xã hội..., nhất là trong giai đoạn hết cơn và trở về trạng thái cân bằng, nên người thân đôi khi không đánh giá đúng mức tình trạng bệnh của họ. Cho rằng người bệnh chỉ đơn giản là “trái tính trái nết”, mắc chứng “nổ” hoặc ỷ thế có tiền, có địa vị nên đâm ra tự mãn quá mức... nên nhiều thân nhân tìm cách khuyên nhủ người bệnh, thậm chí đến các đơn vị tư vấn về hôn nhân gia đình để tìm lời khuyên.
“Nhờ người khác khuyên nhủ hay nhờ chuyên viên tâm lý tư vấn đều không hiệu quả nếu thật sự đối tượng đang mắc hoang tưởng tự cao. Không thể thay đổi suy nghĩ của bệnh nhân mà chỉ có cách duy nhất để giải quyết hoang tưởng là đến các bệnh viện tâm thần để BS chuyên khoa can thiệp bằng thuốc và tâm lý học lâm sàng. Hoang tưởng chỉ mất đi khi việc điều trị bắt đầu có tác dụng” - BS Trần Đình Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, khuyến cáo. Ông cũng lưu ý việc người nhà cố khuyên bảo thay vì đưa bệnh nhân đi điều trị có khi còn làm tình hình bất ổn thêm bởi người bệnh rất khó chịu và có thể làm xấu thêm mối quan hệ với thân nhân.
Không tự kiểm soát được
Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, cơn bệnh của người mắc hoang tưởng tự cao có thể biểu hiện ở giai đoạn họ bỗng dưng cảm thấy đời tươi tắn hẳn lên, rất vui vẻ với mọi người xung quanh và thấy cái gì cũng tốt đẹp. Lúc đó, họ dễ cảm thấy mình rất giàu có, tài giỏi, lúc nào cũng muốn thể hiện, cứu giúp mọi người, từ đó sẵn sàng “rót” tiền bạc cho người khác hay cho các dự án đầu tư nhiều rủi ro.
Thường người bệnh không tự kiểm soát được hành động của mình, có thể họ bị lợi dụng hay tự gây ra những thiệt hại nghiêm trọng trong giai đoạn “lên cơn” này.
Theo Anh Thư
Người lao động
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn