Công nhận tỉ lệ gia tăng ung thư bạch cầu quanh nhà máy điện hạt nhân
Từ những năm 1980 đã có những quan ngại rằng các nhà máy điện hạt nhân gây ra ung thư sau khi tỷ lệ bệnh được thấy là cao gấp 10 lần mức trung bình của cả nước ở những vùng như Seascale, gần nhà máy điện hạt nhân Sellafield ở Cumbria, Anh.
Tuy nhiên hiện nay Ủy ban chính phủ của Anh về các vấn đề y tế của phóng xạ trong trong môi trường (Comare) cho biết không có bằng chứng cho thấy bản thân các nhà máy điện hạt nhân là thủ phạm đứng sau sự gia tăng này.
Thay vào đó, họ cho rằng có khả năng là một số lượng lớn người chuyển đến làm công nhân nhà máy đã mang theo những vi rút gây bệnh ung thư ở người dân địa phương.
Ủy ban kêu gọi nghiên cứu thêm xem vi rút nào chịu trách nhiệm về ung thư để có thể phát triển vắc xin và nghiên cứu tìm hiểu về ảnh hưởng ở các nhà máy lớn khác.
Mỗi năm có khoảng 650 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu hoặc u lympho không Hodgkin ở Anh.
Ý kiến cho rằng các nhà máy điện hạt nhân gây ra bệnh ung thư bắt đầu bằng một phóng sự của Yorkshire TV năm 1983, trong đó tuyên bố tỷ lệ bệnh bạch cầu ở trẻ em tăng cao một cách đáng lo ngai ở gần Windscale ở Cumbria, nay là Sellafield.
Những con số đáng báo động khiến cho chính quyền phải thành lập ủy ban điều tra do Sir Douglas Black, nguyên chủ tịch Royal College of Physicians đứng đầu.
Ủy ban nhất trí rằng tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em cao ở Seascale, làng nằm gần Sellafield nhất, nơi có nhiều công nhân nhà máy và gia đình họ sinh sống.
Từ năm 1963 đến 1983 có 5 trẻ em chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu hoặc u lympho không Hodgkin, trong khi con số lẽ ra chỉ là 0,5 dựa trên tỉ lệ toàn quốc. Số ca bệnh ung thư gần nhà máy điện hạt nhân Dounreay ở Scotland cũng được thấy là cao gấp đôi mức trung bình của cả nước.
Nhiều người tin rằng vì phóng xạ gây ung thư, nên nhóm các ca bệnh xung quanh nhà máy phải có liên quan với nhau. Nhưng lượng phát thải từ nhà máy quá nhỏ để giải thích cho nhóm ca bệnh này.
Sau điều tra của Sir Douglas, Comare được thành lập để thực hiện cuộc điều tra toàn diện và lâu dài.
Sự pha trộn dân số mới là nguyên nhân?
Năm 1988, GS Leo Kinlen công bố một bài báo trên tạp chí The Lancet gợi ý rằng một loại vi rút chưa được xác định có thể là thủ phạm. Ông tuyên bố dòng di cư của 9.000 người lao động và gia đình họ chuyển tới những vùng nông thôn xung quanh Seascale đã đem theo những bệnh nhiễm trùng mà người dân địa phương nhạy cảm hơn.
Nhiều bệnh ung thư gây ra bởi vi rút, ví dụ đáng chú ý nhất là ung thư cổ tử cung do HPV gây ra.
GS Kinlen cũng chỉ ra bằng chứng lịch sử cho thấy sự pha trộn dân số dẫn đến dịch bệnh và tăng bệnh tật. Ông thấy bệnh bạch cầu gia tăng từ sự pha trộn dân số trong việc hình thành những đô thị mới, việc sơ tán thời chiến của trẻ em để tránh bom của Không quân Đức, gần các khu cắm trại nông thôn trong những ngày của Dịch vụ Quốc gia, và làn sóng công nhân dầu mỏ chuyển tới Scotland.
Ý kiến của ông được sự ủng hộ của Sir Richard Doll, người đã xác định rằng hút thuốc gây ung thư phổi.
Tuy nhiên vào năm 1996 Ủy ban Comare xuất bản một báo cáo nhấn mạnh không có sự gia tăng bệnh bạch cầu trẻ em ở Seascale trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi các nhà máy vũ khí được xây dựng tại Sellafield và vùng lân cận Drigg và rõ rang đã có một làn sóng nhập cư lớn vào Seascale. Báo cáo đã bác bỏ những phát hiện của GS Kinlen.
Năm 2006, Ủy ban cho biết họ đã tìm thấy các nhóm ca bệnh gia tăng tại những vùng giàu có hơn, và gợi ý rằng mối liên quan có thể là do trẻ lớn lên trong môi trường sạch hơn sẽ có hệ miễn dịch yếu.
Cẩm Tú
Theo Telegraph
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn