Nam điều dưỡng kể chuyện hài cho bệnh nhân quên đau

Thứ sáu - 24/02/2017 00:31

Nam điều dưỡng kể chuyện hài cho bệnh nhân quên đau

Sâu trong tim họ, lời thề Hippocrates luôn cháy bỏng. Họ chưa bao giờ gán mỹ từ “lương y” cho bản thân nhưng sự lặng thầm chăm sóc, tận tụy cứu chữa bệnh nhân như thể người ruột thịt của họ đã để lại trong lòng rất nhiều người dân niềm cảm phục, hàm ơn cứu mạng. Tự lúc nào, họ đã là từ mẫu của các bệnh nhân.

Những tưởng gắn bó với nghề điều dưỡng, chăm chút bữa cơm, giấc ngủ đến vệ sinh cho bệnh nhân chỉ là công việc phù hợp với nữ. Thế nhưng ở khoa Bệnh nhiệt đới của BV Chợ Rẫy TP.HCM, rất nhiều người thương và nhớ mãi nam điều dưỡng tên Phạm Tấn Tài.

“Tôi có thằng em không cùng cha mẹ”

“Cái thằng, lo cho bệnh nhân thì hết lòng, hết sức mà nói về mình cứ cục mịch, rụt rè, chân chất từ cái gốc nông dân quê Bến Tre” - chị Bùi Ngọc Tuyền (điều dưỡng trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy) nói về anh Tài như thế.

Tài không chịu nói nhiều về mình. Tôi đi tìm và nghe được câu chuyện về anh từ chị Phan Thị Bích Thảo (ngụ Long An) trong một lần tình cờ ngồi quán nước trước cổng BV Chợ Rẫy. Hình dáng gầy guộc của một người phụ nữ tần tảo cho người ta cảm giác chất phác, thật thà. Chị kể ngày cha chị nằm bệnh viện gần một tháng, chị có một “người em không cùng cha mẹ”. Mỗi sáng, người em ấy thức dậy giúp chị lau người, bón cho cha ăn đúng bữa, đưa thuốc cho cha uống đúng giờ, kể cho cha nghe những câu chuyện hài hước để cha quên đau. Lúc cha chị Thảo trút hơi thở cuối cùng, người em đó khóc như mưa. “Người em” mà chị Thảo kể là điều dưỡng Phạm Tấn Tài.

“Lúc đó tôi bận việc gia đình, nhà lại xa nên chỉ có thể lên thăm cha thưa thớt, không có thời gian túc trực ở bên cạnh. Những ngày đầu tiên cha nhập viện, tôi thấy Tài chăm chút bệnh nhân khác rất cẩn thận. Tôi nhờ Tài chăm cha trong những lúc tôi phải về quê lo việc. Tài đồng ý ngay, không đặt bất cứ điều kiện gì. Tôi nhớ hoài ngày bác sĩ lắc đầu với ca bệnh của cha tôi, thằng nhỏ (ý nói anh Tài - PV) khóc như mưa, nhìn thương lắm, như thể là ruột thịt của gia đình tôi. Đến giờ này, tôi vẫn mang ơn nó. Mà đâu chỉ cha tôi, cuộc sống quanh Tài chắc có rất nhiều người cha, người mẹ như thế” - chị Thảo bộc bạch.

Anh Tài (bìa trái) đạt giải nhì cuộc thi điều dưỡng giỏi. Ảnh: HP

Niềm vui khi bệnh nhân khỏe lại

Xuất thân từ một gia đình nông dân, tốt nghiệp cấp III, anh Tài chọn thi rồi học nghề điều dưỡng. “May mắn, tôi xin được vào khoa Bệnh nhiệt đới rồi làm đến nay, ngày nào cũng tiếp xúc bệnh nhân, dần dần nghề thấm vào máu, yêu không dứt ra được” - anh Tài kể.

Tính chất công việc vất vả, mỗi ngày với những công việc được lập trình từ sáng đến tối, lấy thuốc, vệ sinh cá nhân, cho bệnh nhân ăn, cho bệnh nhân truyền nước… Đôi khi anh cũng như mọi điều dưỡng khác phải đối diện nhiều với sự nóng giận của người nhà bệnh nhân, sự khó chịu của người bệnh. “Tôi vẫn luôn nhớ câu nói của Tài, rằng khi gặp người nhà bệnh nhân nổi nóng, càu nhàu, tốt nhất mình nên lắng nghe họ một chút, rồi từ từ giải quyết chứ hai bên đều làm căng thì chắc chắn sẽ dẫn đến cự cãi. Sự quan tâm của Tài với bệnh nhân không thể hiện ra lời nói mà bằng sự thấu hiểu bệnh nhân. Tài quan sát, biết bệnh nhân nào hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nào mồ côi cha mẹ, tìm hiểu họ cần gì rồi dùng cái tâm của mình chăm sóc. Đa phần giới trẻ bây giờ người ta theo xu hướng tìm việc lương cao nhưng Tài vì tình yêu, lòng gắn bó mà vẫn chọn ở lại với nghề. Tôi thấy được nhân cách của Tài ở điều đó” - chị Tuyền kể.

Hầu như thời gian làm việc của Tài gắn liền với bệnh viện, do vậy anh luôn tranh thủ thời gian ở bên con. “Chỉ cần kể cho con nghe một câu chuyện, dạy con cách sống tốt cũng đủ rồi. Mình không có thời gian bên con nên mình phải bù đắp bất cứ lúc nào có thể. Cái nghề điều dưỡng này cực lắm, 13 năm trời tôi không đón được cái Tết sum họp nào trọn vẹn. Nam làm điều dưỡng càng khó. Chỉ với việc mỗi ngày phải đổ bô, vệ sinh đại tiểu tiện cho bệnh nhân đôi khi đã thấy bất tiện. Người ta hay hỏi mệt mỏi vậy sao không bỏ đi. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ nghề vì nghề nào cũng có cái khó, cái mệt. Làm nghề này, tôi được giúp đỡ mọi người, xem mọi người như người thân của mình. Mỗi ngày làm việc lại tích tụ thêm được nhiều kiến thức y học. Nếu bỏ đi, tôi sẽ mất mát một thứ rất lớn, đó là không được chứng kiến niềm vui khi bệnh nhân khỏe lại” - anh Tài bày tỏ.

Trong cuộc thi điều dưỡng giỏi do BV Chợ Rẫy vừa tổ chức, điều dưỡng Phạm Tấn Tài đã vượt qua các điều dưỡng khác, giành giải nhì rất xứng đáng.

Tận tụy với nghề, Tài còn là một đàn anh, một đồng nghiệp có trách nhiệm, luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn về nghiệp vụ lẫn tâm nghề cho các em. Mỗi lần máy móc mới hay thiết bị gì về, Tài đều là người mày mò tìm hiểu xong hướng dẫn lại cho các em điều dưỡng khác. Tôi nhớ có lần, trong một dịp ca cấp cứu rất khẩn cấp, mặc dù là điều dưỡng nhưng Tài thực hiện được việc đặt nội khí quản giúp các y tá, bác sĩ. Không phải Tài ẩu hay làm liều đâu, Tài nắm chắc và luôn đảm bảo chắc chắn vững về kỹ năng thì mới làm. Lúc nào “nó” cũng nói miễn sao mình phối hợp ăn ý giữa một nhóm, cứu được bệnh nhân là thấy vui rồi.

Điều dưỡng BÙI NGỌC TUYỀNđiều dưỡng trưởng khoa 
Bệnh nhiệt đới - BV Chợ Rẫy

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây