Hú hồn vì giới trẻ săn Pokemon
Mấy ngày gần đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội chia sẻ hàng loạt hình ảnh giới trẻ phát sốt vì “săn” Pokemon cùng với đó là những lời phàn nàn: “Cứ thấy đi rề rề, dù là đang lái xe máy, hay ô tô là thể nào cũng đang “bắt” Pokemon. Thậm chí có người đang lái xe, dừng đột ngột giữa đường, chúi mắt vào điện thoại”; “Hú hồn, hôm nay suýt thì “vồ” vài hai em gái đang chở nhau bằng xe đạp điện, vừa đi vừa săn Pokemon ở gần Văn Miếu – Quốc Tử Giám”….
“Cơn sốt” săn Pokemon cũng đã vào đến bệnh viện khi các bác sĩ liên tục cảnh báo những nguy cơ của trò chơi dễ gây nghiện, mất tập trung này.
Ths.BS Lê Thị Thu Hà, Phòng điều trị nghiện chất, Viện sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), cảnh báo: “Pokemon Go là trò chơi bằng hình ảnh rất dễ gây nghiện. Không chỉ nghiện, mà nó có thể gây nguy hiểm cho chính người chơi, cho những người xung quanh vì tính chất di chuyển của nó.
Thử hỏi, đi đường bình thường đã tiềm ẩn bao rủi ro, đụng chạm xe cộ, nay vừa đi vừa chúi mắt vào điện thoại để bắt Pokemon, không tập trung trong tích tắc khi lái xe, khi sang đường là có thể gặp tai nạn”.
BS Hà đặc biệt lo ngại khi trào lưu chơi trò chơi này rơi vào giới trẻ, việc kiểm soát sẽ khó hơn người lớn.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) lo ngại vấn nạn Pokemon trong trường học, khi mà học sinh, lứa tuổi nhỏ kiểm soát mình khó hơn, có thể gây nghiện, bỏ bê học hành, có những hành vi mất an toàn khi săn Pokemon.
BSCK II La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng cho rằng, với sự mới lạ và hấp dẫn của Pokemon Go sẽ khiến nhiều người say sưa và có những hành vi thiếu an toàn vì sự mê đó, không chỉ là những hành vi vì nghiện game mà cả tai nạn thương tích khi đang mải mê săn Pokemon.
Theo BS Cương, tất cả những trò chơi nào cuốn hút sẽ gây nghiện rất nhanh. Mỗi ngày chỉ cần chơi tăng thêm 1-5 phút thì chỉ vài tháng là nghiện rồi. Từng đó thời gian, 1 ngày thì không thấy tiếc nhưng nhân lên 360 ngày thì nó là quãng thời gian không ít, chưa kể cấp độ nghiện sẽ ngày càng tăng lên, vài chục phút đến cả tiếng mỗi ngày.
Từ nghiện game đến ma túy: giới hạn mong manh
BS Hà cho biết, trong những bệnh nhân nghiện game bác sĩ từng chữa trị, chủ yếu là rơi vào người trẻ, học sinh, sinh viên. Trong đó, bác sĩ nhớ mãi cậu sinh viên năm 3 đã bị đuổi học vì nghiện game, bỏ bê học hành, thi cử. Khi bị đuổi học, về quê, cứ 7 giờ tối là gia đình thấy cậu nhảy sang nhà hàng xóm bỏ hoang, ngồi thiền hàng vài tiếng đồng hồ ở bậc thềm, hỏi không nói, gọi không thưa. Cứ nghĩ bị trầm cảm, gia đình đã đưa nam thanh niên đến Viện sức khỏe tâm thần khám.
“Em sinh viên nói với tôi, khi ở Hà Nội, cứ đến giờ này là cậu bắt đầu chơi game. Về nhà không có game, bí bách không thể chịu được. Như một phản xạ, cậu chạy sang nhà hàng xóm bỏ hoang, ngồi thiền để tưởng tượng lại như mình đang chơi game”, BS Hà nói.
Theo BS Hà, bất kể trò chơi nào cũng dễ gây nghiện đặc biệt ở người trẻ do việc kiểm soát bản thân chưa tốt. Việc chơi game xuyên đêm khiến người chơi gầy sút cân, không tập trung đến thế giới xung quanh, mất các mối quan hệ gia đình, bạn bè. Khi cần chơi có thể “xoay” tìm mọi cách để có tiền, hay dùng chất kích thích để tỉnh táo khi thức xuyên đêm chơi game.
BS Cương cũng chia sẻ về nhiều trường hợp nghiện game nặng phải nhập viện, cơ thể suy kiệt nghiêm trọng nhưng vẫn có thể ngồi xuyên đêm chơi game. Người nghiện game ngơ ngơ, rối loạn tâm thần kéo dài, mệt mỏi, suy nhược do chỉ sống trong thế giới ảo trên game… Không ít người đã tìm đến ma túy để tỉnh táo mà không cần ăn, không cần uống, không cần ngủ, vượt qua tình trạng suy nhược đó.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy con nghiện game, cha mẹ phải có giải pháp mạnh chứ không dừng ở khuyên nhủ. Tuy nhiên rất nhiều gia đình ngại đưa con đến viện vì không nghĩ “nghiện game” là bệnh.
Nếu thấy trẻ chăm chú vào trò chơi gì đó liên tục trong 1 tiếng trở lên không dứt - đó đang là những dấu hiệu đầu tiên của sự cuốn hút không thể rời. Hãy giải thích, nghiêm khắc với trẻ để tránh tình trạng trẻ đam mê dẫn đến nghiện game.
Còn khi con đã nghiện game, hãy mạnh dạn đưa con đi khám, bác sĩ có kinh nghiệm, sự động viên, thuốc hỗ trợ… sẽ giúp người nghiện nhanh qua được cảm giác thèm muốn chơi game.
Với trò Pokemon Go, BS Hà cho rằng khó cấm đoán vì smartphone giờ quá phổ biến, bố mẹ cấm con cái vẫn chơi lén lút. Vì thế, sự giải thích, khuyên nhủ trẻ là rất cần thiết. Hãy giải thích cho trẻ những nguy cơ, hậu quả có thể gặp phải khi chăm chú bắt Pokemon khi đang đi đường, sự bất cẩn trong 1 tích tắc có thể trả giá bằng tính mạng.
Còn PGS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, bất cứ trò chơi nào có thể gây nguy hại cho cộng đồng thì phải cấm. Pokemon Go đang là một trò chơi như vậy. Theo ông nên cấm vì người chơi chủ yếu là giới trẻ, kiểm soát bản thân khó, dễ gây nghiện và tai nạn thương tích cho chính mình và cộng đồng vì vừa đi vừa săn Pokemon.
Hồng Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn