Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị Hội nội tiết và đái tháo đường Việt Nam lần thứ VIII diễn ra tại TPHCM từ ngày 12 đến ngày 14/8.
Phân tích của các chuyên gia nội tiết chỉ ra, suy giáp là tình trạng giảm hoạt động chức năng tuyến giáp làm giảm sản xuất hoóc môn, gây ra những tổn thương ở mô và rối loạn chuyển hóa. Biểu hiện lâm sàng của tình trạng suy giáp bao gồm chậm chạp, mệt mỏi, tăng cân, da khô, táo bón, xanh xao, giảm trí nhớ, phù niêm.
Tần suất suy giáp chiếm khoảng 2% trong cộng đồng dân số chung. Phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp cao hơn từ 3 - 5 lần so với nam giới, đặc biệt là ở nhóm tuổi sinh đẻ. Từ khi đậu thai đến khoảng tuần thứ 12 của thai kỳ, tuyến giáp của thai mới bắt đầu tập trung được iod. Đây là thời kỳ rất quan trọng vì thai cần cung cấp đủ lượng hoóc môn tuyến giáp từ mẹ để phát triển não.
Các thụ thể tuyến giáp có nhiều ở thai nhi từ trước khi thai tự tổng hợp được hoóc môn giáp. Do đó, bất kỳ sự thiếu hụt hay dư thừa nồng độ hoóc môn giáp từ người mẹ trong thời kỳ đầu mang thai đều có những tác động rất quan trọng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi, đặc biệt là ảnh hưởng đến chỉ số IQ ở trẻ khi sinh ra.
Phân tích chuyên môn của TS.BS Nguyễn Thị Thu Thảo, bệnh viện Nhân Dân Gia Định chỉ ra, thai phụ bị suy giáp trong thai kỳ có nguy cơ cao gặp phải các biến cố sảy thai tự nhiên, sinh non, tiền sản giật, tăng huyết áp thai phụ, băng huyết sau sinh. Thai nhi có mẹ bị suy tuyến giáp nguy cơ bị chết lưu, nhẹ cân, chậm phát triển tâm thần, vận động.
TS Thu Thảo khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần phải được tầm soát bệnh lý suy tuyến giáp. Trường hợp thai phụ bị suy tuyến giáp cần phải được bác sĩ chuyên khoa theo dõi sát và có giải pháp hỗ trợ hợp lý mỗi 4 tuần trong nửa đầu thai kỳ và ít nhất một lần trong thời gian từ tuần 26 đến tuần 32 của thai kỳ.
Vân Sơn
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn