Không nên dùng bừa bãi
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), ngược với quan điểm của mọi người là bổ sung vitamin, trong đó có vitamin C là vô hại, với các bác sĩ, kê vitamin cũng như một phác đồ điều trị để bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức khỏe.
Bởi dù là vitamin, nhưng thiếu, thừa đều không tốt. Chưa kể liều dùng ở mỗi người, nam – nữ, trẻ em – người lớn, người bình thường – người mang theo bệnh lý nào đó… là khác nhau. Vì thế, sự tư vấn của bác sĩ là cần thiết khi dùng vitamin để đảm bảo phát huy công dụng tốt nhất, tránh gây những tác hại không mong muốn cho sức khỏe.
Với vitamin C, ở trẻ em PGS Dũng gặp nhiều nhất các bà mẹ cho con uống hàng ngày để “tăng cường miễn dịch”. Trong khi đó, trẻ cần lượng vitamin C rất nhỏ, chưa kể được bổ sung qua ăn uống, qua các loại cam, bưởi, ổi… nên việc sử dụng vitamin C bổ sung nhiều quá, thừa liều sẽ gây tác dụng không tốt cho trẻ.
“Vitamin C sẽ tăng hấp thu canxi từ ruột vào, khiến canxi trong máu cao, lâu dần sẽ gây ra bệnh sỏi thận. Ngày 1, ngày 2 chưa thể thấy, nhưng dùng trường diễn vitamin C lâu ngày, sau này khi trẻ lớn lên sẽ có nguy cơ này. Bên cạnh đó, các nguy cơ loét dạ dày, tiêu chảy cũng có nếu dùng vitamin C liều cao kéo dài”, TS Dũng nói.
Không chỉ ở trẻ em, TS Dũng gặp nhiều người lớn cũng đang lạm dụng vitamin C như một loại thuốc thần kỳ giúp nhanh hết mỏi mệt.
“Nhiều người trong túi lúc nào cũng có sẵn viên bổ sung vitamin C, cứ mệt mệt lại xin nước pha uống, có người bạn tôi uống 4 – 5 viên mỗi ngày. Sau uống thì tự thấy “đỡ mệt mệt hơn”.
Không chỉ tốn tiền, quá tin vào vitamin C, các biện pháp chăm sóc sức khỏe khác lại bỏ quên. Cứ uống để tăng cường miễn dịch là tức khắc khỏe, không luyện tập gì.
Dùng có liều lượng
TS Dũng cho biết, khuyến cáo mới nhất của Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), việc dùng vitamin C có liều lượng, thời gian sử dụng cụ thể ở từng đối tượng. Trẻ con uống bao nhiêu, phụ nữ, phụ nữ có thai, người già, đàn ông đang luyện tập nhiều uống bao nhiêu, người làm văn phòng uống bao nhiêu.
Tùy vào liều lượng, đối tượng bác sĩ khuyến cáo dùng bổ sung 1 - 2 tháng, thậm chí có những trường hợp phải dùng đến 6 – 7 tháng. Chỉ dẫn rất chi tiết không nên tùy tiện dùng vì gây tác hại.
Tốt nhất mỗi người cần có một chế độ ăn phong phú, giàu trái cây, rau xanh để cơ thể được hấp thu đầy đủ các dưỡng chất, các loại vitamin từ thực phẩm. Bởi nếu chỉ chú ý bổ sung vitamin C mà bỏ qua các vi chất, khoáng chất khác cũng sẽ khiến cơ thể giảm sự điều hòa, hấp thu, không tốt cho sức khỏe.
Chỉ trong điều kiện khó khăn do đi công tác xa, ngoài biển đảo, thời gian dài ăn không đủ vitamin C từ trái cây, rau củ có thể bổ sung nhưng cần liều lượng.
Mỗi người đều nên có một bác sĩ cho riêng mình. Nếu quan tâm tới việc bổ sung vitamin C, trong một lần đi khám bệnh, hãy hỏi để được bác sĩ tư vấn.
TS Dũng cũng khuyến cáo nếu cần bổ sung nên dùng đường uống. Chỉ một số trường hợp do rối loạn hấp thu, một số trường hợp muốn đưa lượng lớn vào cơ thể để chữa bệnh lý đặc biệt mới nên dùng đường tiêm. Còn không nên tùy tiện tiêm C bởi có thể sốc, tử vong.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu bổ sung ngắn hạn (dưới 3 tháng) theo liều khuyến cáo là ngưỡng an toàn dùng hàng ngày, mọi người có thể tự dùng. Nhưng với liều từ 3 tháng trở lên nhất định cần dược bác sĩ tư vấn”, TS Dũng nói.
Mọi người cũng đặc biệt lưu ý để không sử dụng phối hợp quá nhiều loại bổ sung dinh dưỡng đều có vitamin C. Nhất là thời gian gần đây, thực phẩm chức năng được dùng phổ biến, khi dùng cần nhìn rõ thành phần, hàm lượng tránh dùng hai loại song song đều có chung một chất. Chưa kể, nồng độ vitamin, các khoáng chất TPCN không được kiểm soát chặt chẽ như thuốc, độ dung size được phép rất lớn.
Còn trong các trường hợp cần bổ sung khi mắc các bệnh nhiễm trùng, hoàn cảnh đặc biệt, bệnh nhân suy dinh dưỡng, bệnh nhân ngộ độc… cần phải có thầy thuốc chỉ định để chuẩn liều mang lại hiệu quả điều trị.
Hồng Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn