Ngày 7/11, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi SXH đến khám chủ yếu rơi vào nhóm trẻ 2 tuổi trở lên, ở các khu vực Hoàng Mai, Triều Khúc, Thanh Trì. Với những trường hợp SXH nhẹ, đơn thuần với biểu hiện sốt, nổi ban hoặc xuất huyết ngoài da thông thường, không đáng ngại, bác sĩ đều hướng dẫn về nhà hạ sốt bằng paracetamol và uống oresol bù nước.
Tương tự, tại BV Nhiệt đới Trung ương, đa số bệnh nhân đến khám, theo dõi điều trị ngoại trú, chỉ những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, hạ tiểu cầu nặng mới phải nhập viện điều trị.
Không tự ý dùng hạ sốt
“Tôi muốn nhấn mạnh, dùng paracetamol để hạ sốt, tuyệt đối không dùng aspirin và ibuprofen.
Hiện nay, rất nhiều người lạm dụng hai loại thuốc này do hạ sốt nhanh, hạ sốt sâu. Nhưng riêng với SXH thì lại cực nguy hiểm bởi khi bị SXH sẽ bị hạ tiểu cầu, có hiện tượng chảy máu.
Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do SXH gây ra không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm.
Tương tự, thuốc ibuprofen hạ sốt nhanh nhưng rất nguy hiểm do dùng thuốc này bị ảnh hưởng đến đông máu thì nguy cơ chảy máu càng cao hơn, thậm chí có em bé chảy máu ào ạt. Thực tế đã có bệnh nhi SXH ngày thứ 3 - 4, sốt cao 39 - 40 độ, dùng paracetamol không hạ sốt hiệu quả mẹ em bé đã chủ động đổi thuốc gây chảy máu nặng ở đường tiêu hóa”, TS Dũng nói.
Cảnh báo sốt xuất huyết trên cơ địa béo phì
Đa phần SXH là ở thể nhẹ, chỉ sốt, phát ban, xuất huyết ngoài da. Nhưng ở một số đối tượng đặc biệt, SXH dễ chuyển biến nặng, nhất là khi đã xuất hiện dấu hiệu cảnh báo, có thể chuyển sang sốc SXH bất cứ lúc nào.
“Đó là các đối tượng trẻ quá nhỏ (dưới 1 tuổi), người già, phụ nữ có thai, ở người có một bệnh mãn tính sẵn như phổi, tim mạch, gan… hoặc gần đây, khuyến cáo mới cảnh báo SXH trên cơ địa béo phì thường diễn biến nặng lên rất nhanh”, TS Dũng nói.
Bên cạnh đó cần lưu ý theo dõi các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng của SXH. Theo TS Dũng, với trẻ em, nếu đang sốt xuất huyết, thêm các dấu hiệu x đau bụng, đặc biệt vùng gan hạ sườn phải; nôn nhiều, kích thích, vật vã, hoặc bắt đầu có dấu hiệu chảy máu niêm mạc, chảy máu mũi, chảy máu răng lợi nhiều, nôn ra máu, đi ngoài ra máu… thì cần đưa đến viện ngay.
Còn ở người lớn, theo BS Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) là các dấu hiệu đau bụng, chảy máu, kích thích….
Cảnh giác với sốt kéo dài trên 2 ngày
Về việc xác định có phải sốt xuất huyết, BS Cấp cho biết, khi mới nhiễm bệnh, trong 2 ngày đầu bệnh nhân thường chỉ có dấu hiệu sốt cao, không khác gì sốt vi rút thông thường. Thường từ cuối ngày thứ 2 trở đi bệnh nhân đã có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu và thường người dân không có kinh nghiệm để nhận biết.
Nếu tới bệnh viện khám, thầy thuốc có kinh nghiệm có thể thấy da của bệnh nhân xung huyết nặng nề hơn người bình thường bằng cách ấn mạnh một ngón tay xuống da thì thấy xung quanh có quầng đỏ rất rõ. Hoặc có thể nhận biết dấu hiệu thắt dương tính qua thao tác thăm khám đo huyết áp.
“Trong 2 ngày sốt đầu tiên chỉ dùng paracetamol và bổ sung oresol tại nhà. Từ ngày thứ 3 – thứ 4 tùy vào dấu hiệu cảnh báo mà đưa bệnh nhân đến viện khám để khẳng định chính xác SXH hay không, có cần nhập viện điều trị hay không”, BS Cấp khuyến cáo.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo diệt muỗi, ngủ màn, bôi các loại kem chống muỗi để ngăn muỗi đốt sẽ ngăn ngừa được SXH.
Hồng Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn