Bác sĩ cột tay, cột chân người bệnh để chống đập phá khi sảng rượu
Bác sĩ Hoàng Nam khoa Tiêu hoá, tâm sự, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân chảy máu tiêu hoá do rượu trên nền bệnh nhân xơ gan.
Chỉ về hướng bệnh nhân Nguyễn Văn T. trú tại Gia Lâm, Hà Nội, bác sĩ Nam cho biết: Bệnh nhân này bị chảy máu tiêu hoá 7 – 8 lần, vào viện mà vẫn chưa thể dứt được nàng tiên tửu.
Ông M. uống rượu mấy chục năm và rất khó cai rượu .
Còn bệnh nhân Đỗ Văn M. Nam Định, đã hồi tỉnh sau cơn sảng rượu hai ngày trước. Ông M. kể, ông uống rượu vài chục năm rồi và ngày nào cũng thích uống rượu. Vì cả nhà, anh em nào cũng uống, nên ông không bỏ được.
Khi chúng tôi vừa vào khoa, bác sĩ Hoàng Nam cho biết, sáng nay khoa tiêu hoá đã có 2 bệnh nhân ra viện. Như vậy, còn lại tại phòng cấp cứu tiêu hoá lúc đó khoảng 10 bệnh nhân. Trong số đó, có 6 bệnh nhân sảng rượu, chảy máu tiêu hoá do rượu.Cá biệt, trường hợp anh Nguyễn Văn D. trú tại Hoà Bình, 34 tuổi, bị xơ gan rất nặng. Xơ gan gây biến chứng chảy máu thực quản. Bệnh nhân nôn ra hàng lít máu tươi và đã phải nhập viện cấp cứu nhưng đến nay tiên lượng rất thấp.
Chân tay người bệnh luôn buộc chặt để tránh đập phá.
Vợ của bệnh nhân kể, hai vợ chồng lấy nhau 10 năm, nhưng ngày nào anh cũng uống rượu, có bữa sáng anh tráng miệng bằng cả cốc rượu to. Thậm chí, lúc anh còn khoẻ, anh cũng tự hào mình biết uống rượu từ năm 15 tuổi và có thời điểm uống hết cả 2 lít mà chẳng say xỉn tý gì.
Đến giờ, gan anh bị xơ và bác sĩ khuyên bỏ rượu nhưng 3 lần cấp cứu vì xơ gan, chảy máu thực quản anh vẫn không quên được rượu. Đến nay, bác sĩ cũng chỉ còn biết hồi sức, cấp cứu, kéo dài thêm được ngày nào hay ngày đó.Chị Nguyễn thị B. vợ của bệnh nhân T. ở Gia Lâm, Hà Nội tâm sự, chồng chị vốn là bộ đội và khi giải ngũ về làm kinh tế, anh vẫn uống rượu. Ngày trước công tác ở Hà Giang uống nhiều rượu nên khi về xuôi anh vẫn không bỏ được. Mỗi ngày uống cả lít rượu.
TS Nguyễn Công Long, phó trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, ngày càng đông bệnh nhân điều trị tại khoa tiêu hoá là nạn nhân của rượu. Họ bị xơ gan, viêm tuỵ do rượu. Điều đáng ngại nhất, tỷ lệ người nhiễm viêm gan B và C ở nước ta lại cao, vì thế khi uống rượu vào, càng làm cho lá gan quá tải dẫn đến xơ gan. Đa số bệnh nhân xơ gan nằm ở khoa đều có tiền sử nghiện rượu.
Rượu tác động trực tiếp vào gan gây tổn thương tế bào gan, dẫn đến xơ hoá. Càng uống rượu càng dẫn đến teo tế bào gan và gan xơ. Khi bị xơ gan không thể nào điều trị phục hồi xơ được.
Khi bị xơ gan kèm theo bệnh lý giãn vỡ tĩnh mạch thực quản do hậu quả xơ gan dễ dẫn đến chảy máu thực quản. Người bệnh nôn ra máu, thậm chí nôn ra cả chậu máu.
Đặc điểm nữa là người nghiện rượu lâu ngày, đường tiêu hoá bị ảnh hưởng, cản trở hấp thu chất dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng. Có nhiều bệnh nhân vào viện chân tay teo hết, kiệt sức, lại mắc thêm các bệnh khác. Bệnh chồng bệnh, họ dễ tử vong vì suy kiệt.
Chính vì thế, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân cai rượu. Tuy nhiên, bệnh nhân nghiện rượu thường không thể cai được.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn