Người ta hay nói "tuổi trẻ tài cao" và câu nói này không thể đúng hơn với cậu bé 12 tuổi người Hàn Quốc có tên Kwon Joon. Cậu bé này giỏi kiếm tiền từ cổ phiếu đến mức người ta ca ngợi cậu có thể trở thành Warren Buffet thứ 2. Năm 2020, Kwon Joon đã kiếm được số tiền lớn từ lợi nhuận cao ngất ngưởng 43% nhờ việc đầu tư vào cổ phiếu.
Hồi tháng 4/2020, Kwon Joon đã nhờ mẹ mình mở cho một tài khoản giao dịch bán lẻ với khoản tiền tiết kiệm 25 triệu won (hơn 515 triệu đồng) để làm tiền hạt giống. Tiền hạt giống là một hình thức cung cấp chứng khoán trong đó một nhà đầu tư mua một phần của một doanh nghiệp. Đó cũng là thời điểm chỉ số chứng khoán Hàn Quốc KOSPI bắt đầu phục hồi từ mức giảm mạnh nhất trong một thập kỷ qua.
"Cháu thực sự đã nói chuyện với bố mẹ, bởi vì cháu tin một chuyên gia đã nói trên TV rằng đây là cơ hội duy nhất chỉ có một lần trong một thập kỷ", Kwon Joon trả lời phỏng vấn trên tờ Reuters.
Khi nhắc đến nhà đầu tư tỷ phú nổi tiếng người Mỹ, Kwon Joon nói thêm: "Hình mẫu lý tưởng của cháu là Warren Buffet. Thay vì giao dịch trong ngày tập trung ngắn hạn, cháu muốn giữ các khoản đầu tư của mình trong khoảng 10 đến 20 năm với quan điểm dài hạn, hy vọng điều này sẽ tối đa hóa lợi nhuận của cháu".
Kwon Joon nằm trong đội quân nhà đầu tư tân binh đông đảo của Hàn Quốc, những người thích "đầu tư giá trị" vào cổ phiếu bluechip bằng tiền từ tiền lì xì, bán đồ chơi hoặc chạy máy bán hàng tự động. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng chóng mặt của thương mại bán lẻ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Những nhà đầu tư bán lẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc thậm chí trẻ hơn chiếm hơn 2/3 tổng giá trị giao dịch bằng cổ phiếu của quốc gia, so với dưới 50% vào năm 2019. Xu hướng này ngày càng phát triển khi thị trường chứng khoán thu hút nhiều người trẻ làm việc tại nhà và các bậc cha mẹ đã cảm thấy quá chán nản với hệ thống giáo dục cứng nhắc.
Mẹ của cậu bé Kwon Joon, cô Lee Eun-joo chia sẻ: "Tôi tự hỏi trong thời đại ngày nay, liệu bằng đại học có còn quan trọng không?". Cô Lee cũng chính là người đã thúc đẩy niềm đam mê của con trai bằng cách cho cậu bé tiếp xúc với việc kinh doanh thay vì học hành. "Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới khác nên tốt hơn hết hãy trở thành người "duy nhất"", cô Lee nói thêm.
Dữ liệu tại Kiwoom Securities, công ty môi giới bán lẻ thân thiện nhất Hàn Quốc với hơn 1/5 thị phần, được thành lập vào tháng 1/2020, cho thấy khoảng 70% trong số 214.800 tài khoản môi giới chứng khoán là cho trẻ vị thành niên.
Kwon Joon cho biết trong thời gian nghỉ ngơi vì trường học đóng cửa trong đại dịch, cậu bé đã lập một danh sách cổ phiếu mong muốn mua được, điều mà cậu đã thực hiện trong quá trình điều chỉnh thị trường. Danh sách của Kwon Joon bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn thuộc Hàn Quốc như ứng dụng nhắn tin lớn nhất Hàn Quốc Kakao Corp., Samsung Electronics, Hyundai Motor...
Kwon Joon chia sẻ: "Thay vì đi học ở những trường tốt như Đại học Quốc gia Seoul, cháu muốn trở thành một nhà đầu tư lớn. Cháu cũng hy vọng trở thành một nhà từ thiện".
Thành công của Kwon Joon đã phản ánh những thách thức về việc làm đối với thanh niên Hàn Quốc, mặc dù là một trong những nhóm có trình độ học vấn cao nhất trong câu lạc bộ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD của các quốc gia tiên tiến.
Dữ liệu hồi tháng 2/2021 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi từ 15-29 đã tăng lên mức kỷ lục mới là 27,2% do việc làm bị hạn chế trong bối cảnh đại dịch. 3/4 thanh niên Hàn Quốc vào đại học sau khi tốt nghiệp trung học nhưng việc tìm kiếm công việc sáng tạo và bổ ích là rất khó.
Nhà nghiên cứu hướng nghiệp Min Sook-weon cho biết: "Không có đủ việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, vì vậy nhiều người đang chọn không đa dạng hóa con đường sự nghiệp của họ từ sớm".
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/tai-khong-doi-tuoi-cau-be-12-tuoi-ban-do-choi-de-dau-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn