Hoàng hậu Uyển Dung (1906-1946), tên đầy đủ là Quách Bố La Uyển Dung, hiệu Thực Liên, người Mãn Châu Chính Bạch Kỳ, thuộc tộc Đạt Oát Nhĩ. Hoàng hậu Uyển Dung là chính thất của vua Phổ Nghi. Bà là vị hoàng hậu cuối cùng của nhà Thanh và cũng là vị hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử phong kiến của Trung Quốc. Uyển Dung sở hữu nhan sắc hơn người, có thể khiến bất cứ nam nhân nào gục ngã khi nhìn thấy, đáng tiếc cuộc đời ngắn ngủi của bà lại không hề hạnh phúc viên mãn.
Đóa đài các sa cơ
Uyển Dung sinh ra tại Bắc Kinh trong một gia đình quý tộc Mãn Châu gốc Mông Cổ. Do gia đình bà khá có thế lực trong cung, nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình, vì thế khi hoàng đế Phổ Nghi muốn tìm một người để lập hậu, dòng họ Quách Bố La nhanh chóng tiến cử Uyển Dung. Năm 16 tuổi, Uyển Dung nhập cung để thực hiện nghĩa vụ chính trị, củng cố quyền lực cho dòng họ.
Khi ấy, Uyển Dung sở hữu vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành với làn da trắng, đôi môi hồng, mái tóc đen tuyền và khuôn mặt xinh đẹp. Bên cạnh đó, bà còn có nhiều tài năng, suy nghĩ tân tiến do từ nhỏ đã được gia đình cho tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây. Không lâu sau, Uyển Dung được vua Phổ Nghi phong làm hoàng hậu, trở thành mẫu nghi thiên hạ, tuy nhiên đó cũng chính là khởi đầu của những bi kịch trong cuộc đời đóa hoa đài các này.
Trong ngày đại lễ của mình, Hoàng hậu Uyển Dung không được rước kiệu qua Đại Thanh môn giống như những vị hoàng hậu khác, lý do là bởi khi đó triều đình Mãn Thanh dưới thời vua Phổ Nghi không được xem là một giai đoạn triều đình Mãn Thanh chính thức. Nhiều người cho rằng đây chính là điềm báo về cuộc đời truân chuyên của Uyển Dung hoàng hậu.
Quả thực ngay trong đêm tân hôn, Uyển Dung đã vấp phải sự ghẻ lạnh từ vua Phổ Nghi. Khi đó, Phổ Nghi vốn đang sủng ái một phi tần khác tên Văn Tú, hoàn toàn không có cảm xúc với Uyển Dung. Trong đêm tân hôn, hoàng đế chỉ vào nhìn mặt Uyển Dung một lần rồi nói: "Được rồi, hãy về nghỉ đi". Dù Uyển Dung có xinh đẹp và hấp dẫn đến thế nào thì đứng trước Phổ Nghi, bà chỉ như một bức tượng. Sau này, bà mới biết rằng lý do khiến Phổ Nghi lạnh nhạt với mình là do ông đã mất đi khả năng sinh lý như những người đàn ông bình thường.
Bị chồng ghẻ lạnh, nghiện thuốc phiện và nghiện khỏa thân
Không được vua sủng ái, Hoàng hậu Uyển Dung như đóa hoa héo mòn trong cung. Bà cố gắng tìm đến những niềm vui khác như đọc sách, vẽ tranh, nghe nhạc cho khuây khỏa nhưng tất cả đều vô tác dụng. Một người phụ nữ đang ở tuổi xuân phơi phới không thể mãi chịu đựng được cảnh cô đơn, cuối cùng bà đã bị cuốn vào một thói xấu của giới quý tộc lúc bấy giờ, đó chính là thuốc phiện.
Người đưa Uyển Dung tới con đường sa ngã này không ai khác chính là vua Phổ Nghi. Do hoàng hậu bị đau bụng kinh nặng nhưng lại không thể giúp được gì, Phổ Nghi bèn nghĩ ra một cách, đó là để Uyển Dung thử dùng thuốc phiện để giảm cơn đau. Ban đầu, bà chỉ dùng thuốc phiện khi đến ngày nhưng dần dần nó đã trở thành thứ không thể thiếu. Mỗi ngày, Uyển Dung đều đắm chìm trong làn khói á phiện để quên đi cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần mà không biết rằng thứ độc hại ấy đã khiến bà thay đổi cả tâm tính.
Theo tiết lộ của một thái giám thời đó, từ khi nghiện thuốc phiện, Hoàng hậu Uyển Dung đột nhiên có một thói quen kỳ lạ, đó là nghiện khỏa thân một cách bệnh hoạn. Bà thường tắm rất lâu, sau đó không mặc quần áo mà cứ thế đi qua đi lại trước mặt cung nữ, thái giám, tự vuốt ve cơ thể mình như để khỏa lấp nỗi cô đơn.
Bi kịch tiếp nối bi kịch khi vào ngày 5/11/1924, Phùng Ngọc Tường phát động chính biến ở Bắc Kinh, công bố "Sửa đối các điều khoản ưu đãi với hoàng thất nhà Thanh" quyết định tước bỏ danh hiệu hoàng đế của Phổ Nghi cũng như nhiều điều khoản khác. Tháng 11 năm đó, Phổ Nghi cùng toàn bộ gia đình, bao gồm cả Uyển Dung và Văn Tú, buộc phải rời khỏi Tử Cấm Thành. Họ sống như những người dân thường trong một ngôi làng ở Thiên Tân, chịu sự quản lý bởi Nhật Bản.
Chỉ một thời gian sau, Văn Tú quyết định ly hôn với Phổ Nghi vì lý do mà ai cũng biết. Những tưởng sự ra đi của Văn Tú sẽ khiến Phổ Nghi thêm yêu thương và trân trọng Uyển Dung hơn nhưng ngược lại, ông càng thêm chán ghét người vợ này. Uyển Dung đã có lúc muốn ly hôn giống như Văn Tú nhưng vì địa vị gia đình, vì danh tiếng của bản thân mà không dám, tiếp tục cắn răng chịu đựng cuộc sống cô độc.
Sau này, Phổ Nghi lại nghe lời Nhật Bản lên đứng đầu Mãn Châu Quốc, trở thành hoàng đế bù nhìn với hy vọng có thể khôi phục triều đình Mãn Thanh. Ông chuyển đến sống tại Trường Xuân, mang cả Uyển Dung đi cùng. Tuy nhiên lúc này, mối quan hệ của Phổ Phi với Uyển Dung chỉ còn trên danh nghĩa, mệnh ai nấy sống. Không chịu được sự lạnh nhạt này nữa, Uyển Dung đã tư thông với 2 phụ tá của chồng là Lý Thể Ngọc và Kỳ Kế Trung, cuối cùng sinh ra một bé gái. Phổ Nghi biết chuyện vô cùng tức giận nhưng đứa con ấy cũng không thể giữ được. Sau này, có nhiều giai thoại về cái chết của con gái Uyển Dung, có người cho rằng thân thể Uyển Dung vốn yếu nên khi sinh con bị chết lưu, cũng có người cho rằng đứa trẻ bị sát hại vì mục đích chính trị.
Cuối đời chết trong cô độc
Sau khi mất người tình, con gái cũng chết, Uyển Dung càng trở nên cô đơn và tuyệt vọng hơn, bắt đầu sống như người mất hồn. Nhiều năm sau, thần trí bà trở nên điên loạn, thường xuyên mê sảng, ăn uống vô tội vạ, tiếp tục nghiện ngập, gặp vấn đề về thần kinh, đến mức Phổ Nghi phải đưa bà vào bệnh viện.
Năm 1945, Nhật Bản rút về nước, bỏ lại hoàng thân quốc thích triều Thanh. Phổ Nghi nhanh chóng tháo chạy theo quân Nhật, bỏ lại Uyển Dung. Tháng 1/1946, Uyển Dung bị bắt giam vào nhà tù, đày đến nhiều nơi khác nhau như Thông Hóa, Trường Xuân, Vĩnh Cát, Đôn Hóa và Diên Cát.
Trong thời gian này, Uyển Dung sống vô cùng vật vờ bởi ảnh hưởng của những cơn nghiện thuốc phiện cũng như tình trạng sức khỏe ngày càng xuống dốc. Những ngày tháng cuối cùng trong nhà tù, Uyển Dung không hề có người thân thích bên cạnh, bị lính canh đánh đập, chế giễu. Ngày 20/6/1946, Uyển Dung qua đời ở tuổi 40, khép lại cuộc đời của vị hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc. Thi thể bà được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể trong tù. Do qua đời với tư cách thường dân, Uyển Dung không được mai táng bằng nghi lễ của một hoàng hậu.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/hoang-hau-cuoi-cung-cua-trung-quoc-bi-chong-ghe-lanh-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn