Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện của em Hà Thị Đào N. (sinh ngày 17/7/2008, trú tại Tiểu khu 1/5 xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) tố cha dượng nhiều lần cưỡng hiếp dẫn đến có bầu 7 tháng. Hiện em N. cùng mẹ đang phải "lánh nạn" tại Bắc Ninh theo sự trợ giúp của một nhóm thiện nguyện.
Trò chuyện với chúng tôi, N. kể, lần đầu tiên em bị cha dượng là Vi Văn H. (SN 1983) giở trò đồi bại là lúc gần nghỉ hè lớp lớp 5, tức chưa đầy 11 tuổi. Lợi dụng lúc mẹ em là chị Hà Thị S. (SN 1986) đi làm vắng, em bé thứ 2 còn nhỏ, bố dượng đã cưỡng hiếp N. ngay tại nhà.
"Em nhớ dượng đã cưỡng hiếp em tất cả 8 lần. Lần đầu tiên em la lớn nhưng bị dượng bịt miệng. Những lúc như thế em rất sợ và muốn nói với mẹ nhưng dượng luôn tìm cách ngăn cản, dọa sẽ giết cả 2 mẹ con. Ông ấy còn mua cả xăng về nhà để sẵn đấy, dọa là nếu em nói với ai thì sẽ đốt nhà, giết cả nhà", N. nức nở kể.
Trong suốt quãng thời gian bị đe dọa, N. không dám hé nửa lời với những người xung quanh. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi mẹ N. thấy con xanh xao lạ thường và nghi ngờ sức khỏe của con có vấn đề.
Em Hà Thị Đào N. (bên phải) được dự sinh vào đầu tháng 11 tới khi đang ở tuổi 12. Ảnh: Thảo Anh
Tháng 5/2020, chị Hà Thị S. đưa N. đi khám tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mộc Châu. Lúc này, chị S. tá hỏa phát hiện con gái đã mang thai hơn 3 tháng và phải "cắn răng" trình báo đến chính quyền xã.
Thông tin đến phóng viên, ông Dương Văn Tuấn - Chủ tịch xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Sự việc đã được giao cho phía công an xử lý. Đối tượng Vi Văn H. đã bị tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật".
Trong khi đó, ông Ngô Ngọc Toàn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu (Sơn La) chia sẻ: "Chúng tôi đã nắm được sự việc và mong muốn cơ quan pháp luật xử lý thích đáng những hành vi xâm phạm trẻ em".
Nói về nguyện vọng của em Hà Thị Đào N. muốn được tiếp tục đến trường, ông Toàn cho biết: "Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu sẽ tạo mọi điều kiện giúp N. quay trở lại học tập sau khi sinh con".
Ngôi nhà lụp xụp tại Chiềng Sơn (Mộc Châu – Sơn La) – Nơi N. tố cáo cha dượng đã nhiều lần hãm hiếp. Ảnh gia đình cung cấp
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay: "Hội sẽ theo dõi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng Sơn La. Chúng tôi mong muốn đối tượng yêu râu xanh sẽ bị xử lý nghiêm minh bởi vụ việc đau lòng này cho thấy, nhiều trường hợp trẻ em đang bị chính những người thân thích xâm hại trong thời gian dài".
Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng chia sẻ, để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, người mẹ cần phải được trang bị kỹ năng để bảo vệ, quan tâm cũng như tìm hiểu khi con trẻ gặp vấn đề về sức khoẻ, tâm sinh lý. Với con trẻ, khi gặp các biểu hiện xâm hại tình dục, các em phải biết vượt lên chính mình, dũng cảm tố giác, ngăn chặn sự việc.
Với người thân, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại phải nhanh chóng trình báo, tố cáo với cơ quan công an nơi gần nhất, tránh tình trạng che giấu hành vi xâm hại tình dục trẻ em vì bất cứ lý do gì.
Em Hà Thị Đào N. đang được một nhóm thiện nguyện cưu mang tại Bắc Ninh. Ảnh: Thảo Anh
"Thông thường khi các con ở lứa tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu nảy nở, phát triển về giới tính thì cha mẹ mới nghĩ đến việc con có thể bị xâm hại tình dục. Nhưng trên thực tế, trẻ em gái có thể bị xâm hại tình dục bất cứ tuổi nào. Sự việc thêm lần nữa đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bà mẹ, đừng chủ quan, lơ là, luôn cẩn trọng với bất cứ ai, ngay cả những người thân thuộc, quen biết", bà Ninh Thị Hồng nhấn mạnh.
Báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được đưa ra ngày 27/5 cho biết trong 4, 5 năm, cả nước phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em các loại, trong đó có tới 6.432 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Hiện nay, công tác phát hiện, tố giác loại tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn do chưa có sự hợp tác tích cực từ gia đình và nạn nhân. Một số vụ việc, nhất là nạn xâm hại tình dục được thỏa thuận giải quyết riêng giữa gia đình nạn nhân với đối tượng xâm hại, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Việc thi hành pháp luật trong bảo vệ trẻ em cũng còn không ít hạn chế, bất cập, chưa có sự quan tâm đúng mức về vị trí, vai trò và quyền của trẻ em. Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã để lại hậu quả nặng nề về thể chất, tinh thần, như thương tật suốt đời, sinh con, làm mẹ khi tuổi còn nhỏ… |
Nguồn: http://giadinh.net.vn/phap-luat/hoi-bao-ve-quyen-tre-em-viet-nam-len-tieng-vu-be-gai-12...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn