Nhà tôi cách nhà em không xa. Đó là ngôi nhà bé nhỏ từ cái thời xa xưa nằm trong một ngõ hẹp. Ngày trước tôi hay xuống nhà em cùng bà nội, nhưng kể từ ngày đi học xa nhà thì tôi không có dịp đến nữa.
Mấy hôm trước, trong dịp về quê chơi, tôi xuống thăm gia đình em vào một buổi chiều muộn trời đã tối. Vừa bước chân vào tới sân, nhìn căn nhà bé nhỏ đơn sơ ấy là hình ảnh 2 đứa con nhỏ lấy nước rửa mặt, lau từng ngón tay chân thật kỹ càng cho bố, sau đó đút cơm cho bố ăn. Cảnh ấy khiến cho cổ họng tôi nghẹn ứ lại.
Câu chuyện mà tôi nhắc tới là của gia đình em Nguyễn Thị Thao, học sinh lớp 9 Trường THCS Tây Hồ, xã Tây Hồ - huyện Thọ Xuân - tỉnh Thanh Hóa. Thao sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố của em vừa bị tàn tật, bệnh tim, tiểu đường chỉ nằm một nơi trong nhiều năm. Mọi sinh hoạt của bố từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống đều phải do mẹ và hai chị em Thao giúp đỡ.
Mất đi sức lao động của người đàn ông trong gia đình, mọi gánh nặng cuộc sống đặt lên đôi vai của người phụ nữ là mẹ Thao. Mẹ Thao lấy bố em dù vẫn biết chồng của mình không được khỏe mạnh như bao người đàn ông khác. Tuy nhiên, bằng tình thương chân thành, mẹ đã theo bố em về chung sống trong một mái nhà.
Cuộc sống của mẹ Thao với biết bao khó khăn, vất vả. Ngoài chăm lo cho chồng, mẹ của em còn phải lo cho hai đứa con nhỏ. Bố hay đau ốm, việc thuốc thang là triền miên, lại thêm hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học quả thực là một gánh nặng rất lớn. Vậy mà mẹ của em vẫn luôn cố gắng để lo chu toàn.
Tâm sự với tôi, Thao kể: “Mẹ em vất vả lắm, đi làm quần quật cả ngày. Ngoài việc đồng áng, thời gian rảnh thì mẹ lại đi làm thuê. Ai thuê gì mẹ em cũng làm, từ việc đi phụ hồ, làm cỏ mía, dọn dẹp nhà cửa, bốc vác…".
Thao thương mẹ lắm. Vì cuốc sống, chăm lo cho bố và hai chị em của Thao mà mẹ phải vất vả như thế. Nhiều lúc Thao muốn giúp mẹ kiếm tiền, nhưng vì còn nhỏ nên cũng chưa biết làm việc gì ra tiền cả.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn bố lại đau ốm triền miên, thương mẹ tần tảo sớm hôm vì thế mà chị em Thao luôn có ý thức chia sẻ công việc giúp mẹ. Từ khi còn nhỏ, Thao và em đã biết làm rất nhiều việc giúp mẹ, từ nấu cơm, rửa bát, quét nhà, chăm sóc cho bố. Lớn hơn, hai chị em càng giúp được cho mẹ rất nhiều việc, từ việc nhà đến việc đồng áng.
Em trai Thao là Nguyễn Văn Trường năm nay cũng là học sinh lớp 7 của Trường THCS Tây Hồ. Trường là đứa trẻ ngoan, luôn biết chia sẻ công việc giúp chị và mẹ. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, hai chị em lại tranh thủ ra ngoài đồng giúp mẹ làm việc. Những ngày mùa, hai đứa cùng mẹ ra đồng gặt lúa, rồi lại về nhà phơi lúa phơi rơm. Trường chia sẻ, nhiều hôm mấy đứa trong xóm rủ em đi chơi, nhưng thấy chị và mẹ đang làm nên lại chẳng dám đi.
Thao là cô bé ngoan ngoãn. Nhận thức được hoàn cảnh của gia đình khó khăn nên em luôn tự ý thức trong việc học tập để đạt được những kết quả tốt. Trong suốt 8 năm học vừa qua, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường, được thầy yêu bạn mến bởi tinh thần vượt khó, nghị lực vượt qua hoàn cảnh.
Thao biết gia đình rất khó khăn nên em luôn cố gắng vươn lên trong học tập để bố mẹ được vui và tự hào. Em mong những đồng tiền mà mẹ vất vả làm nên nuôi em ăn học không bị lãng phí, nhất là sau này có công việc ổn định chăm lo cho bố mẹ. Mặt khác, em lại là chị nên càng phải cố gắng học để làm gương cho em trai, giúp em vượt qua hoàn cảnh để cố gắng để vươn lên trong học tập. Em nghĩ chính khó khăn sẽ cho con người ta có động lực lớn hơn.
Giờ đây khi hai chị em Thao ngày càng học cao hơn. Mọi chị phí cho việc học, chăm sóc bố cũng sinh hoạt cuộc sống hàng ngày thêm lớn và nặng nề hơn đối với mẹ Thao. Liệu con đường học tập của cô bé đầy nghị lực, ham học hỏi này sẽ đi tới đâu khi trước mắt em và gia đình gặp nhiều trắc trở.
Hy vọng hoàn cảnh khó khăn của Thao sẽ nhận nhiều sự chia sẻ để chắp cánh cho những ước mơ của cô bé sớm trở thành hiện thực.
Nguyễn Thị Dung
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn