Con đường từ trường đến nhà em Chu Văn Pháp dài trên 5 km. Men theo bờ ruộng gập ghềnh, tôi tìm đến căn nhà tình thương rộng khoảng 35m vuông mà xã đã xây tặng gia đình em. Em là học sinh lớp 9/2 trường THCS Đạ Kho, huyện Đạ tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
Chị Phùng Thị Thu, mẹ của em Pháp đón tôi với đôi mắt buồn thăm thẳm của một người phụ nữ vốn đã chịu đựng và nếm trải nhiều cơ cực, bất hạnh. Năm 2009, khi em Pháp mới học lớp 2 thì người chồng của chị đột ngột qua đời trong một cơn bạo bệnh. Anh để lại cho chị ba đứa con thơ nhỏ dại là Chu Văn Pháp lớp 9, Chu Văn Bảy đang học lớp 8, Chu Thị Thu Hiền học lớp 7 cùng trường.
Không có công ăn việc làm ổn định, không ruộng vườn, chị phải đi làm thuê theo mùa để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Ai thuê gì chị làm đó như xịt thuốc, bón phân, lúc thì phát cỏ, gặt lúa, nhặt hạt điều thuê... Số tiền chị kiếm được chẳng đáng là bao so với những gì cần trang trải để cho con mình bằng bạn bằng bè. Vượt qua bao nhiêu vất vả khó khăn, chị vẫn cố gắng vì tương lai của những đứa con. Thường xuyên thiếu ăn thiếu ngủ, bản thân chị lại hay đau ốm. Có lẽ do gánh nặng đời thường cùng với nỗi đau cô quạnh khiến cho chị ngày càng héo mòn.
Biết mẹ đã vất vả vì anh em, Pháp càng thương mẹ nhiều hơn. Ba anh em Pháp luôn bảo ban nhau mỗi người một việc, đứa đi câu cá, đứa bắt cua... để cải thiện những bữa ăn vốn thừa rau thiếu đạm. Riêng Pháp là anh lớn thì quán xuyến mọi việc trong gia đình những lúc mẹ đi làm thuê lên tận Di Linh, Bảo Lộc cách xa nhà gần 100km, cả tuần mới về. Từ việc sửa chữa những vật dụng trong nhà cho đến nấu cơm, giặt đồ... Pháp đều không ngần ngại.
Trong học tập, Pháp không ngừng cố gắng, ba năm liền em đều đạt học sinh tiên tiến. Ngoan ngoãn, lễ phép, hòa đồng, tham gia tích cực các hoạt động của trường, của lớp... đó là những nhận xét mà thầy cô giáo và bạn bè đã yêu mến dành cho em.
Tâm sự với Phát, tôi càng hiểu hơn về em. "Cuộc sống vắng ba buồn lắm cô ơi, chúng em còn nhỏ nên mọi việc đều dồn lên đôi vai của mẹ. Thương mẹ nhưng em cũng không đỡ đần được gì nhiều vì nhà không có ruộng vườn gì cả. Em lo mẹ sẽ không gánh vác nỗi vì một mình phải nuôi 3 đứa con ăn học", Pháp nghẹn ngào. Hỏi đến mơ ước của em trong tương lai, em mạnh dạn chia sẻ: "Dạ, em mong sẽ được học lên cấp 3. Em sẽ cố gắng học để sau này có một công ăn việc làm ổn định. Em mong muốn mình sẽ đỡ bớt gánh nặng cho mẹ và giúp hai em trưởng thành".
Được học lên cấp 3, có công ăn việc làm ổn định vốn là chuyện đơn giản của rất nhiều người, nhưng đối với em thì đây quả là một chặng đường dài đầy khó khăn, vất vả, đòi hỏi một sự nỗ lực và niềm tin rất lớn. Nhìn cậu bé học sinh lớp 9, dáng người bé nhỏ, trông yếu ớt như một cây non nhưng trong em lại toát lên một nghị lực thật mãnh liệt.
Chia tay em, tôi cầu mong cho ước mơ của em sẽ trở thành sự thật. Hãy cố lên em nhé, đồng hành với em sẽ có nhà trường, thầy cô, bè bạn... Mọi người luôn sẵn sàng tiếp thêm niềm tin và mở rộng tấm lòng yêu thương, giúp đỡ em.
Thùy Vân
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn