Tôi vừa đến thăm nhà em Phạm Nguyễn Ngọc Lan, sinh năm 2007 là học sinh lớp 4A, trường tiểu học Long Thuận A, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Gia cảnh của em đặc biệt hơn các bạn trong lớp. Ba và mẹ em đã sống ly thân từ khi mẹ vừa sinh bé Quế Trân năm 2010, với lý do rất đơn giản là vì nhà quá nghèo.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ sinh năm 1987 là người mẹ trẻ của hai bé Ngọc Lan và Quế Trân. Chị làm công nhân cho một công ty, chị đi làm suốt, có khi tăng ca để kiếm thêm thu nhập phụ mẹ nuôi hai đứa con. Cả nhà ngoại đều mong hai em mau trưởng thành.
Lương mỗi tháng của chị Huệ là 3,5 triệu đồng. Với số tiền này, chị vừa lo cơm áo, gạo, tiền và học phí cho hai con. Tuy nhiên, đồng lương ít ỏi này chẳng thấm vào đâu so với hộ cận nghèo có 5 nhân khẩu này (ông bà ngoại, chị và 2 con).
Năm 2009, là hộ cận nghèo nên gia đình của chị được Nhà nước xây tặng ngôi nhà Đại đoàn kết. Qua rồi thời ở nhà tranh vách đất. Giờ đây ông bà ngoại vẫn giữ ngôi nhà đó làm kỷ niệm. Công việc thường nhật của ông bà ngoại là làm thuê, làm mướn theo vụ như: hái ớt, hái thuốc lá vàng, lụi thuốc lá vàng, vác thuốc lá vàng… Tiền công mỗi ngày 2 người cộng lại được khoảng 80.000 đồng. Cả hai ông bà phải cố gắng làm việc dẫu rằng ông ngoại thường xuyên bị đau sỏi thận, đi tiểu tiện ra máu, còn bà ngoại bị đau lưng, gai cột sống mà không có tiền thang thuốc nên bệnh vẫn còn đeo hai ông bà mãi.
Cách nay ba tháng, gia đình vay được 30 triệu đồng để mua một con bò cái. Thế là ông ngoại có việc làm để cuộc sống đỡ buồn tẻ.
Hai chị em Ngọc Lan và Quế Trân rất ngoan ngoãn và chăm học. Hai đứa rất nhanh nhẹn, mặc dù nhỏ người so với các bạn cùng lớp do ăn uống thất thường, nhưng biết giúp đỡ ông bà ngoại và mẹ. Cuộc sống bấp bênh với mong muốn lo cho hai cháu học hành tới nơi tới chốn, bà ngoại như chiếc thuyền chông chênh giữa biển khơi, cố gắng chèo chống vượt qua những con sóng bạc đầu và thầm cầu nguyện cho thuyền được về tới bến an bình.
Mỗi sáng, Ngọc Lan dậy quét nhà, chải tóc thắt bím tóc cho em. Ăn cơm xong, Lan còn biết rửa chén và nhắc nhở em học bài vì mẹ đi làm tới tối mới về. Lan không muốn mẹ buồn.
Hai chị em thường ngồi chung một chiếc bàn để học. Lan kể mỗi ngày, khi viết bài thì hai chị em ngồi chung cho ấm… Còn khi học bài, đọc bài thì Lan nhường cho em học trước, sau đó tới Lan. Lan kể em được giấy khen từ lớp 1 đến lớp 5, còn em gái thì nhận giấy khen hồi năm học lớp lá.
Hiện Lan ước mong sao sẽ học tập thật giỏi hơn nữa để trở thành bác sĩ trị bệnh đau lưng, gai cột sống cho bà ngoại. Em sẽ trị cho ông ngoại hết đau thận và bệnh nhức đầu bị viêm mũi của mẹ... Tôi chợt thấy cay nơi sống mũi vì bé còn nhỏ mà đã có suy nghĩ vì mọi người.
Tôi chợt nhớ ra họ và tên của bé Quế Trân là Nguyễn Thị Quế Trân - học sinh lớp 1B, học trường tiểu học Long Thuận A, được sinh cùng người cha mà sao không cùng họ với chị? Chị giải thích do giận chồng sống không có trách nhiệm, nên khai sinh của bé Quế Trân không có họ cha, mà lấy họ mẹ, coi như con bé vô phước không có người cha bạc bẽo này.
Cả nhà lặng lẽ nhìn ra khoảng sân nhỏ phía trước. Chỉ có bé Quế Trân là vô tư nhảy lò cò cùng các bạn trong xóm. Tôi gọi bé lại gần, vuốt tóc và hỏi: "Mai sau con lớn, ước mơ làm gì?". Bé rất tự tin và trả lời: "Thưa cô, mai sau lớn con sẽ làm công an ạ". Tôi hơi bất ngờ và hỏi bé: "Vì sao con muốn đi nghề công an?". Bé thổ lộ: "Cô ơi, con muốn bắt người xấu, bắt trộm, bắt cướp để xóm làng được an ninh trật tự, yên bình đó cô". Ôi, một ước mơ thật đẹp. Mong một tương lai tốt đẹp sẽ đến với các bé ngoan này.
Nhìn ánh mắt các em long lanh, rạng rỡ hai gương mặt nhỏ nhắn, khả ái như truyền đi tia hy vọng đến với mọi người. Mong sao những ước mơ của các em được chắp cánh bay cao và cộng đồng sẽ chung tay dệt mơ ước của các em thành sự thật trong tương lai.
Nguyễn Hồng Lan
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn