Sinh ra và lớn lên tại xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) nhưng Trịnh Thị Ngọc Hiện lại bén duyên với xứ biển từ năm 2010 khi là thành viên thực hiện dự án về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại xã biển Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre).
Hiện tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm (TP Hồ Chí Minh) tôi về làm việc tại Trung tâm chuyển giao công nghệ - dịch vụ và phát triển cộng đồng nông - ngư nghiệp Việt Nam (thuộc Hội Nghề cá Việt Nam). Lúc này, Hội thủy sản Bến Tre được tài trợ dự án FSPS2 (chương trình hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ do Chính phủ Đan Mạch tài trợ) nên tôi tham gia và gắn bó với người dân xứ biển”.
Người dân vừa bảo vệ rừng vừa thu hoạch nguồn lợi từ thủy sản
Đến năm 2013, Trung tâm công nghệ dịch vụ và phát triển cộng đồng nông - ngư nghiệp Việt Nam vận động xin được nguồn vốn của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tài trợ phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại xã biển này và lại một lần nữa Hiện tham gia vào dự án. Trong thời gian thực hiện dự án, Hiện thấy nơi đây không chỉ có cảnh đẹp mà dưới tán rừng còn có nhiều loài thủy sản “sạch” có thể giúp người dân tăng thêm thu nhập.
Từ đó, Hiện nảy sinh ý tưởng cùng phát triển kinh tế với người dân bằng chính nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng. Hiện đặt tên cho dự án khởi nghiệp của mình là “Kinh doanh với người giữ rừng”.
Hiện cho biết: “Người giữ rừng ở địa phương trung bình mỗi hộ được khoán khoảng 10 ha, nhà nước chi trả chỉ 100 ngàn đồng/ha/năm. Số tiền này rất nhỏ, nên người dân chủ yếu sống bằng khai thác thủy sản dưới tán rừng.
Đây là thủy sản “sạch” nhưng người dân bán giá không cao, thậm chí bị đánh đồng với các loại thủy sản được nuôi công nghiệp… Vì vậy, từ ý tưởng ban đầu tôi muốn kết nối với những người giữ rừng nhằm tiêu thụ sản phẩm thủy sản giúp họ tăng thu nhập”.
Sản phẩm sạch được thu hoạch dưới tán rừng
Nguồn vốn chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng, cô gái trẻ này bắt đầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp theo cách riêng của mình. Ban đầu chỉ 2 hộ dân ở rừng chịu bán thủy sản cho Hiện với giá cao hơn 15% so với bán ngoài chợ.
Các loại thủy sản đặc trưng dưới tán rừng như: cá đối, cá chẽm, cá nâu, bống cát, tôm sú, cua… được đặt hàng để tiêu thụ. Dần dần người dân xung quanh cũng tham gia cùng làm ăn với cô gái trẻ này nhằm tăng thêm thu nhập. Hiện nay, đã có 10 hộ dân với diện tích khoảng 100 ha rừng đã cam kết bán sản phẩm cho Hiện để cung ứng ra thị trường.
Sản phẩm thu mua từ rừng được bảo quản để cung ứng ra thị trường
Ông Nguyễn Văn Tính, ngụ ấp Thạnh Lộc (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Gia đình tôi được nhận khoán giữ rừng gần 20 năm nay. Kinh tế chính của gia đình vẫn là vừa giữ rừng vừa thu nguồn lợi thủy sản tự nhiên dưới tán rừng. Trước đây, các loại thủy sản như: cá, tôm, cua sau khi thu hoạch thì đem ra chợ bán với giá tùy thuộc vào thị trường. Từ khi có dự án của cô Hiện, tôi bán với giá cao hơn nên rất phấn khởi và an tâm giữ rừng”.
Theo ông Tính, tất cả thủy sản dưới tán rừng đều là sản phẩm sạch nhưng từ trước đến giờ chỉ tiêu thụ ở địa phương và chỉ phụ thuộc vào thương lái nên giá không được cao. Trong khi đó, nhu cầu thị trường nhất là các thành phố lớn rất cần các loại sản phẩm từ thiên nhiên này mà ít người cung ứng.
Khi mua được sản phẩm từ rừng, cái khó của Hiện vẫn là tìm đầu ra để tiêu thụ ổn định. Hiện tâm sự: “Khi sản phẩm được thu mua từ người dân sẽ được làm sạch, cấp đông, hút chân không và đem đến các đầu mối tiêu thụ.
Sản phẩm đã đảm bảo sạch nhưng chuyện tìm thị trường không hề đơn giản. Tôi mất rất nhiều thời gian để quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ rừng mới được khách hàng tin tưởng, ủng hộ. Hiện tại tôi đã cung ứng cho 2 điểm bán sản phẩm sạch ở TP Hồ Chí Minh với số lượng khoảng 100 đến 200 kg thủy sản/tuần”. Theo Hiện, với số lượng như vậy vẫn chưa thu mua hết sản phẩm từ rừng của 10 hộ dân ban đầu nên dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng thị trường, tìm đối tác tiêu thụ.
Ngoài thu hoạch thủy sản người dân còn làm du lịch sinh thái bên tán rừng
Ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong cho biết: “Toàn xã có khoảng hơn 1.000 ha rừng ngập mặn, người dân được giao khoán rừng để khai thác nguồn lợi thủy sản. Trước đây các loại thủy sản chủ yếu bán tại địa phương, từ khi có dự án này sản phẩm được đưa đi xa hơn, giá cao hơn nên bước đầu có 1 số hộ dân tham gia. Hy vọng rằng trong thời gian tới khi được mở rộng thị trường, giá bán sản phẩm sẽ cao hơn giúp cho người dân ở đây phát triển kinh tế bền vững từ rừng”.
Đề tài khởi nghiệp “Kinh doanh với người giữ rừng” của Hiện vừa đoạt giải 3 cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016” do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Đây là cuộc thi nhằm hỗ trợ những thanh niên có ý tưởng, dự án kinh doanh khởi nghiệp phù hợp trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn…trên toàn quốc.
Hiện tâm sự: “Đây chỉ là bước khởi đầu của hành trình khởi nghiệp đầy gian nan ở phía trước. Tuy nhiên, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý để đương đầu với khó khăn, thử thách. Hiện tại tôi đang rất cần vốn đề đầu tư cho các thiết bị máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phầm và mở rộng thị trường. Có vốn mình sẽ làm nhanh hơn nhưng không có mình cũng quyết tâm thực hiện và sẽ làm từng bước cùng làm giàu với người giữ rừng”.
Điều làm Hiện vui nhất lúc này là chỉ trong thời gian đầu ý thức người dân ở đây đã thay đổi khá nhiều. Bây giờ họ đánh bắt thủy sản dưới tán rừng có trách nhiệm bằng cách bắt những con cá to, giữ lại những con cá nhỏ và biết tận dụng cảnh quan của rừng để làm du lịch sinh thái nhằm tăng thu nhập, phát triển bền vững dưới tán rừng ngập mặn.
Minh Giang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn