Củ cải đường hay còn gọi là củ cải đỏ, có nguồn gốc từ Hy Lạp. Ở nước ta, so với củ cải trắng thì loại củ này còn khá xa lạ và dễ bị nhầm lẫn với củ dền do có những nét tương đồng về màu sắc. Củ cải đường được dùng trong chế biến nhiều món ăn theo cách xào, luộc hay nấu canh,… để vừa làm mới thực đơn bữa cơm vừa mang lại một nguồn dinh dưỡng dồi dào cho người ăn.
Công dụng
Trong củ cải đường có chứa nhiều chất như sắt, magie, các loại vitamin, acid folic, protein, đường hòa tan, chất xơ, chất béo; cùng rất nhiều kali, natri, phốt pho, magiê, sắt, canxi, kẽm, mangan, đồng và các khoáng chất khác.
Với những thành phần mà mình có được, củ cải đường thực sự có tác dụng đối với sức khỏe cũng như điều trị bệnh:
- Tăng cường hệ miễn dịch cơ thể: Đó là nhờ một lượng lớn folate và kali, có khả năng làm tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch. Không những thế, các chất xơ trong nước ép củ cải cũng giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, làm sạch dạ dày, tránh sự tác động của các độc tố.
- Giúp phòng tránh ung thư: Sở dĩ, củ cải đỏ có chứa nhiều chất chống oxy hóa như beta carotene và betacyanins và chúng có khả ngăn chặn khối u phát triển, giám sát sự phát triển của các tế bào bất thường. Củ cải đường đặc biệt tốt trong việc phòng tránh ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư ruột kết và ung thư thận.
Nước ép từ củ cải đường.
- Giảm huyết áp: Trong nước ép củ cải đỏ có chứa nhiều nitrat, khi nitrat được đưa vào cơ thể sẽ trải qua một phản ứng hóa học để biến oxit nitric – chất này có khả năng cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể và làm giảm huyết áp.
- Bảo vệ gan: Từ lâu, nước ép củ cải đường được biết đến như một phương thuốc chữa bệnh gan hiệu quả, giúp giải độc máu, làm tăng lưu lượng máu và giúp gan hoạt động tốt hơn.
- Tăng hiệu suất hoạt động, đặc biệt đối với các vận động viên thể thao, vì thế mà có nhiều người áp dụng uống nước ép của củ mỗi ngày.
- Ngoài ra, nước củ cải đường cũng rất tốt cho những người muốn cai nghiện.
Cách trồng
Theo chứng minh, loại củ này có chứa hàm lượng saccarozo khá cao nên còn được trồng thương mại với quy mô lớn để sản xuất đường. Còn theo quy mô nhỏ của các hộ gia đình, muốn trồng vài chậu củ cải đường để làm rau sạch cho gia đình cũng không có gì quá khó khăn.
Theo đó, khi muốn trồng củ cải đường cần nắm thời vụ của nó. Trong năm, có đến 4 vụ:
- Vụ sớm: Trồng từ tháng 7 đến tháng 8 và thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10;
- Chính vụ: Trồng từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9, thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11;
- Vụ muộn: Trồng vào tháng 10, tháng 11 và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 12;
- Trái vụ: Thường vụ này cho năng suất khá thấp, được trồng từ tháng 4 đến tháng 6.
Thông thường, củ cải đường sẽ được gieo hạt và phát triển từ hạt mầm. Vì củ mà ta nhận được chính là được phát triển từ bộ rễ của cây nên yêu cầu đối với đất trồng phải tơi xốp, có thể là đất cát pha hoặc đất thịt, khả năng thoát nước nhanh để không làm thối củ. Trước khi trồng, đất cũng cần được cày xới và phơi ải để loại trừ và hạn chế sâu bệnh hại.
Trồng củ cải đường (củ cải đỏ) không hề khó.
Khi gieo củ cải đường, tốt nhất nên lên luống, luống rộng 1.2 – 1.4 m, cao 30 cm và rãnh rộng 30 cm. Phân chuồng ủ mục hoặc các loại phân vi sinh sẽ được bón xuống các luống đất và san phẳng trước rồi mới tiến hành gieo đều hạt giống trên mặt luống. Khoảng cách giữa các cây đạt chuẩn là 20 cm. Cuối cùng, phủ một lớp mùn hoặc trấu lên trên sau khi gieo xong.
Chăm sóc và thu hoạch
Sau khi gieo cần có chế độ chăm sóc tốt. Thường xuyên quan tâm, tưới nước để có đủ độ ẩm cho hạt giống nảy mầm nhanh. Bởi thời gian sinh trưởng của củ cải đường khá ngắn nên trong vụ trồng, chỉ cần bón thúc phân đạm và kali 2 đợt: một đợt khi cây đã có 3 – 4 lá thật và đợt 2 khi củ phình to. Trong trường hợp bón các loại phân bón lá sinh học thì nên xác định liều lượng thích hợp.
Tùy theo giống sẽ có sự giao động, song thông thường khoảng 45 – 50 ngày sau khi gieo hạt là đã có thể thu hoạch. Nên lưu ý về thời gian thu hoạch bởi nếu muộn thì củ cải đường sẽ bấc và giảm chất lượng. Quan trọng nhất là nên thu hoạch sau khi phòng trừ sâu bệnh bằng những cách tự nhiên nếu có.
Cách nhận diện củ cải đường
Có nhiều người vẫn hỏi củ cải đỏ có phải củ dền không? Trên thực tế thì đây là hai loại củ hoàn toàn khác nhau.
Cây của củ cải đường thường chỉ cao trung bình khoảng 40 – 50 cm. Lá cây màu xanh với nhiều gân sần sùi. Loại của này có hình tròn, nhỏ. Lớp vỏ bên ngoài của củ màu đỏ tươi hơn so với củ dền. Còn phần ruột bên trong của củ màu trắng, khá giòn, ngọt và nhiều nước. Lúc trồng, củ cải đường phình to và trồi lên trên mặt đất trông rất hấp dẫn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn