Lâm Đồng: Thu tiền tỉ từ trồng hoa lan vũ nữ xuất khẩu

Thứ năm - 21/12/2017 06:45

Lâm Đồng: Thu tiền tỉ từ trồng hoa lan vũ nữ xuất khẩu

Biết đến mô hình liên kết trồng hoa lan vũ nữ xuất khẩu, nhiều hộ dân ở Lâm Đồng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và đã thành công. Mỗi năm, từ việc xuất khẩu lan vũ nữ cắt cành đã đem về thu nhập ổn định cho hàng chục hộ gia đình ở địa phương.

Là một tỉnh phía nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có khí hậu được chia ra 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Riêng, TP Đà Lạt quanh năm mát mẻ nên thuận lợi cho canh tác rau, hoa, còn các vùng lân cận khí hậu nóng ẩm người dân chủ yếu trồng cà phê, chè, điều…

Bên trong những vườn hoa lan vũ nữ tiền tỷ của nông dân ở Lâm Đồng

Tuy nhiên, các loại cây nông nghiệp này thường đứng trước nguy cơ được mùa mất giá, được giá mất mùa. Sau khi đến mô hình liên kết trồng hoa lan vũ nữ xuất khẩu, nhiều hộ dân ở huyện Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.

Gia đình ông Cao Xuân Hải (ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh), như nhiều hộ nông dân khác, trước đây gia đình ông chủ yếu canh tác cà phê. Do loại cây này hay bị biến động bởi giá cả, mất mùa nên năm 2012, ông Hải đã tìm hiểu và đăng ký trở thành đối tác liên kết với mô hình trồng hoa lan vũ nữ xuất khẩu tại một công ty ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Mô hình liên kết trồng lan vũ nữ xuất khẩu mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình

Sau một thời gian chuẩn bị nhà lưới và được phía đối tác hỗ trợ kỹ thuật, ông Hải đã nhập những chậu lan vũ nữ đầu tiên về vùng đất Di Linh.

Toàn bộ hệ thống vườn trồng hoa được áp dụng hệ thống tưới tự động, mặt đất được phủ một lớp màng lưới để ngăn côn trùng, cỏ dại. Các chậu hoa cũng được đưa lên cao, cách mặt đất khoảng 0,5m bằng hệ thống giá đỡ. Sau khoảng 8-9 tháng cây lan vũ nữ bắt đầu ra hoa.

Việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang liên kết trồng lan vũ nữ xuất khẩu đã thu về cho gia đình ông Hải tiền tỷ mỗi năm

Hoa sau khi thu hoạch được phân loại, đóng gói và chuyển đến xưởng sơ chế. Tại đây hoa được đóng thùng, gắn nhãn mác và mã số riêng mà công ty đã cấp cho từng hộ dân rồi chuyển đi xuất khẩu.

Ông Hải cho biết: “Việc đánh mã số cho từng hộ dân nhằm truy xuất nguồn gốc từng cành hoa để đánh giá hoặc so sánh xem sản phẩm của ai chất lượng tốt nhất. Qua đó giúp nông dân có trách nhiệm hơn đối với từng cành hoa của mình từ khi chăm sóc đến lúc thu hoạch”.

Hiện nay, vườn lan vũ nữ của gia đình ông Hải được mở rộng lên 1,3ha với gần 100.000 chậu, mỗi tháng cắt được trung bình 20.000 cành/ha. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Singapore, Campuchia và một số tỉnh thành trong nước.

Sau khi trừ các chi phí, trung bình 1 ha hoa lan vũ nữ đã giúp ông thu về từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm.

Anh Đường đang chăm sóc vườn lan vũ nữ của gia đình

Tương tự, anh Sần Quán Đường (ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng), là một giáo viên dạy tin học tại Đà Lạt, hàng ngày anh phải dậy sớm di chuyển từ Đức Trọng lên TP Đà Lạt. Đi lại vất vả, lại xa nhà nên anh nghĩ mình cần làm gì đó để phát triển kinh kế tăng thêm thu nhập và được gần gia đình.

Tình cờ gặp một người bạn làm bên công ty liên kết trồng hoa vũ nữ, thấy mô hình này hay, quá trình trồng hoa lại không độc hại vì không phun thuốc bảo vệ thực vật nên anh rất thích và tìm hiểu để trồng.

Lan vũ nữ được trồng trong nhà lưới và chăm sóc theo các tiêu chuẩn rất khắt khe để cho ra những cành hoa chất lượng

Sẵn có quỹ đất nông nghiệp của gia đình, anh bắt tay vào dựng nhà lưới và trồng thử 2.000m2 hoa lan vũ nữ. Sau một thời gian chăm sóc và được sự hỗ trợ kỹ thuật của công ty liên kết vườn hoa lan bắt đầu đơm hoa và cho thu nhập. Thấy có hiệu quả nên anh Đường tiếp tục mở rộng vườn lan.

Hiện tại, anh Đường đã mở rộng vườn lan của gia đình lên gần 1 ha, trung bình mỗi tháng anh xuất bán khoảng 10.000 cành lan. Hoa lan của gia đình anh chủ yếu xuất khẩu đi Nhật Bản, giá biến động theo thị trường. Tuy nhiên, sau khi trừ hết chi phí chăm sóc, gia đình anh vẫn thu về lãi cao.

Ngoài việc đem lại thu nhập cao, mô hình trồng lan vũ nữ còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Từ việc liên kết trồng lan vũ nữ xuất khẩu, ngoài việc đem lại thu nhập cao cho gia đình, vườn lan của Đường còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Được biết, mô hình trồng lan vũ nữ xuất khẩu mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, do đã liên kết tìm được đầu ra ổn định. Hiện nay, có hàng chục hộ dân ở Lâm Đồng tham gia mô hình sản xuất này và đều đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, mô hình này không dễ nhân rộng bởi chi phí đầu tư cao cũng như kỹ thuật canh tác còn khá mới tại địa phương. Nếu hộ dân nào muốn đầu tư cần phải tìm hiểu thật kỹ và liên kết được đầu mối tiêu thụ ổn định.

Ngọc Hà

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây