Đây là một chế độ an sinh nhằm hỗ trợ cho người lao động trong những tình huống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc tử vong. Để làm rõ hơn thông tin về quy định này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội VN- BHXH VN).
Thực tế công tác tham gia BHXH của người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài từ trước tới nay ra sao, thưa ông?
- Việc thực hiện chính sách BHXH đối với người đi làm việc ở nước ngoài đã thực hiện từ năm 2007, tức là thời điểm Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực.
Tuy nhiên theo báo cáo của BHXH địa phương, việc thực hiện thu, cấp sổ BHXH đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định của Luật BHXH năm 2014 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP còn hạn chế.
Tới giữa tháng 12/2017, cả nước có trên 400.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng chỉ có hơn 6.200 người tham gia BHXH, tương đương 1,5 %. Việc tham gia BHXH như trên thông qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chiếm trên 90%, còn lại cá nhận tự đóng trực tiếp với cơ quan BHXH.
Số người đang tham gia này tập trung là người trước khi đi làm việc ở nước ngoài đã có quá trình đóng BHXH bắt buộc. Còn trường hợp trước khi đi làm việc ở nước ngoài chưa tham gia BHXH thì gần như là chưa có người nào đăng ký tham gia BHXH bắt buộc.
Vậy với quy định đóng BHXH bắt buộc với lao động VN đi làm việc ở nước ngoài từ 1/1/2018, ông có cho rằng công tác triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn?
- Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ tham gia BHXH bắt buộc từ 1/1/2018. Người lao động có thể lựa chọn đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH tại nơi cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Điều này cho thấy việc tổ chức thu đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài rất khó khăn, hạn chế, cơ quan BHXH rất khó thực hiện.
Cụ thể, khi cơ quan BHXH đến doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đề nghị thu tiền đóng của người lao động để đóng BHXH, rất có thể doanh nghiệp sẽ cho rằng pháp luật quy định người đi làm việc ở nước ngoài có thể đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài nên họ không thực hiện.
“Để thuận lợi trong giám sát việc thực hiện, tôi đề xuất quy định chỉ giao doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm thu BHXH của người lao động để đóng vào quỹ BHXH. Không quy định người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài” - ông Nguyễn Trí Đại cho biết.
Trong trường hợp cơ quan BHXH triển khai đến trực tiếp người tham gia BHXH thì đa số người lao động đã đi làm việc ở nước ngoài. Như vậy, cơ quan BHXH rất khó có thể thể liên hệ và yêu cầu người lao động tham gia BHXH.
Qua sự kiện 6 lao động VN bị tử vong cũng như một số lao động khác bị thương từ vụ hoả hoạn, ông có đánh giá gì về ý nghĩa thực tế của chính sách BHXH khi hướng tới người lao động đi làm việc ở nước ngoài?
- Chính sách BHXH, BHYT được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là trụ cột chính của hệ thống an sinh. Sự việc 6 lao động Việt Nam bị tử vong cũng như một số lao động khác bị thương từ vụ hoả hoạn cũng là dịp để nhắc nhớ người lao động và doanh nghiệp cần chuẩn bị và nghiêm túc thực hiện quy định của Luật BHXH để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Không chỉ riêng sự việc trên, qua công tác theo dõi việc đóng BHXH cho thấy, chúng tôi cũng phát hiện nhiều người lao động bị doanh nghiệp trốn đóng BHXH thông qua vụ sập dàn giáo tại công trường Foumosa Hà Tĩnh làm 13 người lao động bị chết và gần 30 người bị thương năm 2015.
Hậu quả là khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng không có cơ sở để giải quyết quyền lợi về BHXH cho người lao động: Mai táng phí, tử tuất, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Mặt khác, những trường hợp người lao động không tham gia BHXH khi còn lúc trẻ sẽ dẫn tới những thiệt thòi lúc về già. Người lao động khi đó không có lương hưu, cuộc sống sẽ gặp khó khăn, nhất là khi ốm đau, bệnh tật vì không được hưởng quyền lợi về BHYT.
Trước những thực tế trên, BHXH VN đã triển khai những công việc gì để chuẩn bị cho quy định có hiệu lực sau ngày 1/1/2018, thưa ông?
- Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn hiện nay, ngành BHXH đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH và đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Đơn cử như việc đa dạng các hình thức giao dịch (nhận, trả kết quả thủ tục hành chính) hồ sơ: Điện tử, trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc tại đơn vị; thông qua dịch vụ công do cơ quan BHXH trả phí.
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tối giản các chỉ tiêu, nội dung (trường thông tin) kê khai tham gia, hướng dẫn chi tiết từng nội dung cần kê khai để người tham gia, đơn vị sử dụng lao động dễ ràng kê khai; đa dạng các hình thức đóng tiền BHXH như trực tiếp tại cơ quan BHXH, hệ thống các ngân hàng thương mại, Kho Bạc nhà nước các cấp.
BHXH VN cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, đường truyền; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cấp mã số BHXH để đảm bảo công tác quản lý tiến tới cấp thẻ BHXH điện tử và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia theo đúng quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn