Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Lý giải điều này, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, trong 10 ngày Tổng cục thực hiện giám sát thu phí tại trạm này (từ 10-20/7) cho kết quả bình quân đạt 1,97 tỷ đồng/ngày. Nếu so sánh chênh lệch giữa số thu trung bình ngày giám sát (bao gồm số thu vé tháng và quý) với số thu bình quân ngày báo cáo của doanh nghiệp dự án (chính thức thu phí từ ngày 6/10/2015-10/7/2016) là 582 triệu đồng/ngày.
Căn cứ vào phương án tài chính hợp đồng dự án và kết quả kiểm tra giám sát, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan điều chỉnh phương án tài chính, xác định lại thời gian dừng thu phí của hợp đồng dự án theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải thanh tra toàn diện công tác thu phí của dự án từ ngày 6/10/2015 (ngày bắt đầu thu phí) đến ngày 30/6/2016 để xác định chính xác doanh thu thu phí.
Nhằm tăng cường giám sát các trạm thu phí BOT trên cả nước, Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm phê duyệt đề án “Tăng cường giám sát và công khai minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí do Bộ quản lý” để Tổng cục thực hiện việc giám sát trực tuyến doanh thu và lưu lượng xe qua trạm thu phí hàng ngày.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện chế độ sao lưu dữ liệu hình ảnh xe qua trạm thu phí trong toàn bộ thời gian thu phí của dự án, dữ liệu video lưu trữ tối thiểu 5 năm để phục vụ công tác kiểm tra và thanh tra.
Phía Tổng cục Đường bộ cũng cam kết tiếp tục đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí đồng thời đơn vị này sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra, thanh tra đột xuất các dự án đang thu phí, kịp thời phát hiện những sai sót trong công tác thu phí và sự chênh lệch doanh thu (nếu có) làm cơ sở đỉều chỉnh phương án tài chính và xác định lại thời gian đừng thu phí.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ cũng từng kiểm tra giám sát thu phí 10 ngày liên tục tại các trạm thu phí của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) sau những tố cáo lẫn nhau giữa các nhà đầu tư góp cổ phần trong dự án.
Kết quả giám sát của Tổng cục tại trạm phí trên cho thấy, trung bình trong 10 ngày, mức phí thu được “chênh lệch” phí lên tới 700 triệu đồng/ngày so với các tháng trước đó trước khi giám sát.
Đại diện liên danh nhà đầu tư dự án này cho rằng, do lưu lượng phương tiện từ Quốc lộ 1 cũ bắt đầu quay ngược trở về để đi đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ trong thời gian vừa qua.
Theo vị đại diện này, kể từ khi tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đưa vào khai thác, các phương tiện vẫn có quyền lựa chọn lưu thông trên tuyến đường Quốc lộ 1A (đoạn Ngọc Hồi-Thường Tín).
Tuy nhiên, kể từ khi thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 1 cũ, xây dựng cầu vượt Ngọc Hồi... cung đường này hay xảy ra ùn tắc, phương tiện lưu thông chậm nên bài toán kinh tế về chi phí về xăng, dầu, thời gian đi lại sẽ tốn kém hơn trước nhiều nếu so sánh với mức phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.
“Do đó, nhiều xe đã quay trở lại chạy trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, dẫn đến lượng phương tiện gia tăng đột biến và điều này cũng làm doanh số thu phí có sự chênh lệch so với thời gian trước đó,” đại diện liên danh nhà đầu tư khẳng định.
Đối với dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư chủ trì, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám sát của Tổng cục Đường bộ để xây dựng lại phương án tài chính điều chỉnh hợp đồng dự án./.
Theo Việt Hùng
Vietnam+
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn