Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí tại cuộc họp báo chuyên đề tháng 8/2016, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo tinh thần Quyết định 51 và gắn với việc niêm yết, đăng ký giao dịch theo Nghị định 60.
Theo đó, sẽ bổ sung chế tài xử lý các DNNN cổ phần hóa không hoặc chậm thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch.
Giới đầu tư bức xúc vì Sabeco chưa chịu niêm yết sau 8 năm cổ phần hóa
Cụ thể, ông Bằng cho biết, Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề cổ phần hóa, sau đó là Nghị định 60 về chứng khoán đã quy định rất cụ thể về thời hạn sau khi cổ phần hóa hoặc chào bán ra công chúng phải thì phải niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
"Tất nhiên còn tùy DN có đủ điều kiện hay không nhưng ở đây đã có hai cơ chế rồi: Cơ chế niêm yết khó hơn nhưng cơ chế UpCom thì khá dễ dàng. Hầu hết khi DN đã cổ phần hóa xong thì đều lên được thị trường tổ chức”, ông Bằng khẳng định.
Theo Chủ tịch UBCKNN, kể cả khi DN không niêm yết sau cổ phần hóa thì cũng phải đăng ký giao dịch để tạo ra chỗ giao dịch công khai và để nhà đầu tư tham gia đấu giá, có thanh khoản để giao dịch mua bán. Từ đó, xã hội, thị trường sẽ theo dõi, đánh giá về DN.
Lãnh đạo Ủy ban cho biết thêm, cơ quan này đang soạn thảo Nghị định 108 và tại nghị định này bắt đầu mới có hành vi cưỡng chế.
“Trước đây không có hành vi cưỡng chế thì không làm gì được. Hiện nay Nghị định 108 đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, khi có được cơ chế cưỡng chế thì UBCKNN sẽ có xử phạt, những cũng mới chỉ xử phạt hành chính mà thôi. Sau khi có Nghị định 108, chúng tôi sẽ thực hiện cưỡng chế theo đúng tinh thần thượng tôn luật pháp", ông Bằng khẳng định.
Ông Bằng cũng nói thêm: “Thông cảm rằng, DN có đặc thù và khó khăn riêng, chiến lược riêng của DN, nhưng đã là quy định của pháp luật thì phải tuân thủ. Hơn nữa, phải bảo vệ các nhà đầu tư tham gia đấu giá. Anh lên đăng ký giao dịch công khai thì sẽ thu hút nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần đông hơn, Nhà nước cũng thuận lợi hơn trong mục tiêu bán được cổ phần với giá tốt”.
Gần đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) liên tục có các kiến nghị yêu cầu Bộ Công Thương phải sớm đưa hai DN Sabeco và Habeco niêm yết trên thị trường chứng khoán và thoái toàn bộ vốn khỏi hai DN này sau 8 năm cổ phần hóa theo đúng những quy định hiện hành của luật pháp.
Tuy nhiên, đáp lại những đề xuất này của VAFI, ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch Sabeco cho rằng, đề xuất của VAFI rất "bậy".
"Đưa lên sàn rồi bán nguyên lô như thế không biết ai mua, và nhà đầu tư lớn sẵn sàng móc tay với nhau đặt giá thấp hơn mà vẫn mua được. Nguy cơ thứ 2 là khi bán xong như vậy không biết ai là người mua được thì liệu sau thương hiệu có giữ được không? Thứ 3 cổ phiếu mua đi bán lại ai kiểm soát, thương hiệu còn không hay một nhà đầu tư nước ngoài mua rồi xoá sổ thương hiệu đi bởi người ta muốn mua thị trường chứ không phải mua thương hiệu", ông Tuất lập luận.
Vị này cũng đặt nghi vấn về việc mục đích VAFI "ép" Sabeco, Habeco lên sàn làm gì. Hơn nữa, "việc này là do Thủ tướng Chính phủ quyết định chứ Bộ chỉ là cơ quan trình thôi"
Một văn bản hồi đáp của Bộ Công Thương gửi VAFI gần đây cũng cho biết, văn bản 651/TTg-ĐMDN ngày 8/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã cổ phần hóa về SCIC cũng không có Sabeco và Habeco.
Trong năm 2012, 2015, 2016, Bộ Công Thương đã 4 lần báo cáo Thủ tướng các phương án thoái vốn Nhà nước tại Sabeco. Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận “việc chậm xin phép Chính phủ cho Sabeco niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư”. Đồng thời cam kết, thời gian tới, bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét cho Sabeco được niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI cho biết, ông cảm thấy thất vọng sau khi nhận được trả lời của Bộ Công Thương và cho rằng, bộ này đang cố tình để hai DN trên "trốn" niêm yết. Việc niêm yết hai DN trên hoàn toàn không cần hỏi ý kiến Thủ tướng mà bản thân DN và Bộ Công Thương có thể tự quyết.
Theo thống kê của UBCKNN, trong 8 tháng đầu năm đã đấu giá cổ phần hóa cho 58 DNNN với tổng giá trị đạt 5.291 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thành công đạt 66%. Bên cạnh đó, tổ chức được 21 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị 1.899 tỷ đồng, tăng 112%, tỷ lệ thành công đạt 73%.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn